Pháp luật

Kẻ 'giấu mặt' đằng sau những cuộc điện thoại tiền tỷ

Admin

Những người tiếp tay cho \"kẻ giấu mặt\" đã phải trả giá, nhưng kẻ chủ mưu vẫn biệt tăm.

Ngày 24/5, TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo Ma Thiếu Quân (SN 1973), Vương Quang Đằng (SN 1990), Hoàng Thị Luyến (SN 1979), Tô Văn Báo (SN 1993), Lộc Thị Loan (SN 1986, cùng ở Lạng Sơn) ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, vào ngày 14/6/2016, Công an Hà Nội nhận được đơn trình báo của một phụ nữ về việc bị đối tượng giả danh công an, VKS yêu cầu nộp tiền để chứng minh mình không phạm tội. Qua điều tra, xác minh, Cơ quan Công an làm rõ:

Cuối tháng 6/2016, Ma Thiếu Quân và đồng bọn được một đối tượng tên là Lâm người Trung Quốc (chưa rõ lai lịch) rủ tham gia kiếm tiền bằng cách dùng chứng minh thư nhân dân để nhận tiền chuyển khoản.

Nhóm của Quân chỉ cần mở các tài khoản ngân hàng rồi báo thông tin về cho Lâm. Mỗi khi tài khoản báo có tiền, Lâm sẽ báo cho nhóm của Quân đi rút rồi chuyển lại cho Lâm. Mỗi người sẽ được trả công 600.000 đồng/ngày.

 Các bị cáo tại tòa

Lâm yêu cầu rủ càng nhiều người tham gia đi mở thẻ và rút tiền càng tốt. Vì vậy, Quân đã rủ thêm Báo, Đăng, Luyến và Loan cùng tham gia. Các bị cáo đã dùng chứng minh nhân dân mở một loạt tài khoản ngân hàng ở Lạng Sơn.

Cáo trạng cho rằng, nhóm bị cáo đã tiếp tay cho các đối tượng người Trung Quốc chuyên gọi điện giả danh công an, viện kiểm sát để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Do cần tài khoản ở Việt Nam, bọn chúng lôi kéo nhóm Quân tham gia, số tiền chiếm đoạt hàng tỷ đồng sau đó chuyển sang Trung Quốc.

Nghe cuộc gọi, mất tiền tỷ

CQĐT làm rõ, đầu tháng 6/2016, bà H. (SN 1954, ở Hà Nội) đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi vào số cố định, xưng là nhân viên tổng đài VNPT, thông báo việc bà H. nợ cước điện thoại.

Bà H. trả lời không có việc đó thì đầu dây bên kia nối máy cho bà nói chuyện với người tự xưng là trung úy công an và phó viện trưởng, viện KSND tỉnh Quảng Ninh.

Người đầu dây bên kia nói bà H. có liên quan đến một vụ án hình sự và buộc bà H. phải chuyển tiền tiết kiệm 839 triệu đồng sang tài khoản của một lãnh đạo công an. Bà H. không kiểm chứng thông tin trên mà lập tức nghe theo lời đối tượng.

Và ngay khi bà H. chuyển tiền, bị cáo Báo đã đến ngân hàng rút tiền, đổi ra nhân dân tệ rồi đưa lại cho Lâm.

Tương tự, một trường hợp khác là bà N. (SN 1958, ở TP.HCM) cũng nhận được cuộc điện thoại lạ. Thấy đầu dây biên kia tự xưng là công an TP Hà Nội, bà N. thật thà khai có 10 quyển sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Đối tượng yêu cầu bà N. phải hợp tác để làm rõ đường dây tội phạm, chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản của Công an TP Hà Nội để kiểm tra. Các đối tượng nói rõ - nếu không liên quan, trong 24h sẽ trả lại, còn trong trường hợp bà N. không chuyển tiền sẽ bị bắt khẩn cấp và tạm giam 3 tháng để điều tra.

Và bà N. đã chuyển hơn 1,6 tỷ đồng vào số tài khoản mà các đối tượng yêu cầu. Sau khi chuyển khoản tiền trên, bà N. tiếp tục nhận được cuộc điện thoại của người xưng là Vương Quang Đằng – Công an TP Hà Nội, yêu cầu bà rút tiền, và chuyển tiếp 650 triệu đồng vào tài khoản của Đằng, và bà N. cũng răm rắp nghe theo.

Cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền các bị cáo giúp sức cho Lâm chiếm đoạt của 5 bị hại là hơn 5 tỷ đồng. Trong vụ án này, Quân được hưởng lợi 24 triệu đồng, Đằng 10,2 triệu đồng, Báo 14,4 triệu đồng, Luyến 1,8 triệu đồng, Loan 4,8 triệu đồng.

Do chưa xác minh lai lịch, nhân thân đối tượng Lâm nên cơ quan điều tra tách tài liệu để điều tra, xử lý sau.

Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt Quân mức án 12 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo khác nhận từ 6-8 năm tù.