Kinh tế

Kem Trung Quốc 3.000 đồng tràn về: 'Hàng nội địa' ăn đi đừng sợ

Admin

Mặc dù mới bước vào đầu mùa hè, song kem Trung Quốc đã phủ sóng khắp thị trường, được người dân ồ ạt mua về ăn giải nhiệt bởi được gắn mác “hàng nội địa Trung Quốc”, và quan trọng hơn là giá loại kem này khá rẻ.

Chiều thứ 7, sau khi bê được 3 chiếc thùng lên tầng 18 căn chung cư của nhà mình, chị Phạm Thu Hoài ở Nguyễn Xiển (Hoàng Mai, Hà Nội) hí hửng bóc lớp băng dính dán kín bên ngoài của những chiếc thùng xốp ra kiểm tra, sau đó sai đứa con gái lớn của chị đi qua mấy căn hộ bên cạnh để gọi mọi người sang chia kem theo số lượng đã đăng ký trước. Vừa ngồi nhặt từng que vào túi nilon, chị vừa khoe: “Kem mới ship đến, phải chia nhanh cho mọi người về bỏ tủ đông không chảy hết mất ngon”.

Chị Hoài chia sẻ, kem này là kem Trung Quốc - món ăn giải nhiệt khoái khẩu ở khu chung cư nhà chị dịp đầu hè này vì ăn vừa ngon, giá lại “hạt dẻ”.

 Kem nội địa Trung Quốc được rao bán khắp trên mạng xã hội

Ngày trước, nói đến hàng Trung Quốc tôi cũng hơi sợ nên hạn chế mua. Nhưng độ khoảng gần tháng nay, tôi thấy trên facebook nhiều người bán loại kem này nói hàng nội địa Trung Quốc đảm bảo, một số chị em mua ăn thử khen ngon nên tôi mua về cho cả nhà ăn giải nhiệt”.

Chị cũng cho biết, khu chung cư nhà chị mọi người thường rủ nhau mua chung vài thùng một lần để có giá rẻ. Như hôm nay, 7 nhà chung nhau lấy 3 thùng kem với tổng 120 que về chia ra mỗi nhà một ít tùy theo nhu cầu để cất tủ đông ăn dần.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, khoảng hơn một tháng nay, các chị em đang xôn xao với loại kem được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc với 10 vị khác nhau chứ không phải loại kem dát vàng sang chảnh. Đáng chú ý, loại kem này được rao bán khắp trên mạng xã hội với giá rẻ nhất 120.000 đồng/thùng 40 que (3.000 đồng/que), một số người bán với mức giá từ 150.000-180.000 đồng/thùng 40 que.

Theo quảng cáo của người bán, kem này là hàng nội địa Trung Quốc nên bao bì toàn tiếng Trung, hạn sử dụng được 5 tháng, một thùng kem có 40 que đủ 10 vị gồm vị ngô, socola, đậu xanh, dâu, vani,...

Dù là mặt hàng mới xuất hiện cách đây khoảng hơn 1 tháng, kem nội địa Trung Quốc lại đang phủ sóng thị trường, được nhiều người quan tâm và có sức tiêu thụ rất lớn.

 Các loại kem này có giá khá rẻ, được rất nhiều người chọn mua về ăn giải nhiệt

Trong vai một người muốn nhập sỉ kem với số lượng lớn về bán, phóng viên được một chủ hàng tên Dương Thị Oanh ở Lào Cai trả lời: “Hôm nay thì hết kem rồi, nếu em báo số lượng hôm nay, mai bọn chị sẽ chuyển hàng”.

Chị Oanh cho biết, kem này là hàng nội địa, nhập trực tiếp từ Trung Quốc nên chị cần một đêm là có thể đáp ứng được lượng hàng lớn cho khách. Đặc biệt, khi lấy sỉ khách buôn nhỏ lẻ có thể lấy theo từng vị, hoặc chọn nhiều vị. Giá thành tính theo số lượng kem mua, mua càng nhiều giá càng rẻ.

“Như chỗ chị, nếu khách mua lẻ 1 thùng 40 que thì giá là 140.000 đồng, mua từ thùng thứ 2 trở lên giá còn 130.000 đồng thùng, cứ theo đó giá giảm dần”, chị Oanh nói và tiết lộ, bắt đầu vào mùa hè, thời tiết nhiều nơi oi nóng, do đó các mối buôn nhỏ lẻ gọi điện lấy kem nhiều hơn, đặc biệt là ở các tỉnh như Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Phú Thọ,... Tính ra một ngày chị bỏ buôn hết 500-600 thùng (khoảng 20.000-25.000 que).

Song, chị Oanh cũng cho hay, chị chỉ nhận chuyển hàng cho các tỉnh miền Bắc với khoảng cách dưới 200km, không nhận chuyển các tỉnh miền Trung vì kem sẽ bị chảy, không đảm bảo chất lượng.

Theo các đầu mối bỏ sỉ kem nội địa Trung Quốc quảng cáo là hàng nội địa nên có thể yên tâm mua ăn. Người mua cũng rỉ tai nhau rằng nếu là hàng nội địa Trung Quốc thì sẽ an toàn. Vậy, với những loại hàng được gọi là “hàng nội địa Trung Quốc” nói chung và kem nội địa Trung Quốc nói riêng đang được bày bán khắp trên thị trường thì liệu có thể tin tưởng về nguồn gốc, xuất xứ cũng như độ an toàn khi từ bao bì bên ngoài đến bên trong chỉ toàn tiếng Trung?

Thực tế, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh vừa qua đã bắt giữ một lô chân gà xuất xứ từ Trung Quốc đang bốc mùi hôi thối trên đường vận chuyển đi tiêu thụ. Đáng chú ý, loại chân gà này đang là mặt hàng đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội dưới mác “chân gà hàng nội địa Trung Quốc”.