Tin địa phương

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng về hợp tác lao động giữa 5 nước tiểu vùng sông Mekong

Admin

Sáng 2/8, tại Đà Nẵng, Hội nghị Bộ trưởng về hợp tác lao động giữa 5 nước tiểu vùng sông Mekong gồm: Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam và Thái Lan đã khai mạc với chủ đề “Thúc đẩy Phát triển Nguồn nhân lực và việc làm bền vững cho người lao động di cư”. Đến dự có Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam. Về phía thành phố, có Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh.

 Hội nghị Bộ trưởng về hợp tác lao động giữa 5 nước tiểu vùng sông Mekong 

Trước tình trạng di cư lao động đang trở thành vấn đề nóng trên toàn cầu, Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam kỳ vọng qua hội nghị lần này, Bộ trưởng Bộ lao động 5 nước tăng cường hợp tác đào tạo lao động nghề, chia sẻ thông tin về thị trường lao động, thiết lập kênh trao đổi thông tin thường xuyên về nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài của mỗi quốc gia, cũng như đưa ra các giải pháp hữu ích nhằm đảm bảo an sinh cho lao động di cư.

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng nỗ lực để thúc đẩy giao lưu thương mại trong khu vực, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình, thịnh vượng.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã thông báo nội dung tuyên bố chung về di cư lao động an toàn đã được 5 nước thông qua. Các bộ trưởng đã nhất trí cùng nhau chia sẻ thông tin về quản lý di cư; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động di cư; khuyến khích các bên liên quan chia sẻ trách nhiệm, thúc đẩy di cư lao động an toàn từ nước phái cử đến nước tiếp nhận.

Trả lời câu hỏi phóng viên liên quan đến những thách thức và cơ hội của Việt Nam, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, thời gian đến Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ có chương trình hành động cụ thể, nhằm phát triển tối đa nguồn nhân lực giữa các quốc gia.

Tuyên bố chung về di cư lao động an toàn giữa 5 nước tiểu vùng sông Mekong khẳng định hợp tác giữa các nước được thực hiện tương thích với tiêu chuẩn lao động quốc tế và luật pháp của mỗi nước, quy định rõ trách nhiệm của nước phái cử và nước tiếp nhận; qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.