Nhân ái

Khát khao sống, vào ĐH của cô học trò mắc chứng tủy giảm sinh

Lợi Trần

Bác sĩ bảo bệnh em cần phải được thay tủy, nếu không thì phải truyền máu suốt đời. Chi phí phẫu thuật khoảng gần 1 tỉ đồng. Nhà nghèo, bố mẹ già yếu, thì làm răng kiếm được từng nớ tiền chữa bệnh cho em? - Cô bé nghẹn giọng, cố giấu giọt nước mắt chực rơi...


Bố mẹ Tú không biết xoay xở đâu ra số tiền lớn để chữa bệnh cho con gái

“Làm răng kiếm đủ tiền chữa bệnh cho con”?

Ngôi nhà nhỏ tại xóm 2, xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) nằm im lìm giữa nắng tháng 6 gay gắt, gió lào ràn rạt thổi. Ngồi bên cạnh con gái, bà Nguyễn Thị Thoa (55 tuổi) gương mặt gầy gò, buồn bã hằn vết chân chim càng thêm khắc khổ: “Thật không nghĩ con bé mới học lớp 11 mà lại mắc bệnh nặng như rứa. Nhà thì nghèo, bố mẹ làm răng kiếm tiền để chữa bệnh cho con được đây…”, nói rồi bà lén quay đi lau nước mắt.

Nguyễn Thị Thanh Tú hiện đang là học sinh lớp 11D2, trường THPT Quỳnh Lưu 1, Nghệ An. Cuối năm 2014, Tú thỉnh thoảng có những cơn choáng váng, chóng mặt, nhưng em nghĩ do thay đổi thời tiết nên trong người mệt mỏi. 

Tình trạng đó kéo dài đến đầu năm 2015, bố mẹ em hốt hoảng phát hiện thấy trên người Tú xuất hiện những vết thâm tím, đau đầu, chóng mặt, người xanh xao, chảy máu chân răng, tia vằn đỏ ở mắt. Gia đình vội đưa em đi khám ở bệnh viện Đa Khoa Hữu nghị Nghệ An. 

Các bác sĩ cho Tú nhập viện, truyền máu gấp. Sau khi làm các xét nghiệm, kết luận Tú bị suy tủy giảm sinh 3 dòng, rồi chuyển ra Viện huyết học Trung ương. Nhà nghèo, bố mẹ em về nhà gom góp tiền nong, vay mượn thêm bà con hàng xóm rồi bắt đầu hành trình đưa con đi nằm viện, đợt 1, rồi đợt 2…

Tại đây, các bác sĩ đã làm các xét nghiệm, sinh thiết tủy, kết quả cho thấy em Nguyễn Thị Thanh Tú mắc chứng suy tủy giảm sinh, 50% diện tích máu mỡ hóa hoàn toàn, phần còn lại mật độ tế bào giảm, dòng hồng cầu phát triển và biệt hóa được, hình thái không có gì đặc biệt. Dòng bạch cầu hạt gặp đủ các lứa tuổi, hình thái rối loạn nhẹ. Mật độ mẫu tiểu cầu giảm. Mẫu tiểu cầu còi cọc.

Bác sĩ Lương Hoài Nam - Viện Huyết học Trung ương, người trực tiếp điều trị bệnh nhân Tú - cho biết: “Em Tú mắc chứng suy tủy giảm sinh là căn bệnh nghiêm trọng. Nếu không truyền máu đều đặn, em có nguy cơ bị thiếu máu hoặc xuất huyết nội tạng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

Biện pháp điều trị được các bác sĩ đưa ra là ghép tủy. Trong trường hợp không thể ghép tủy, bệnh sẽ phải truyền máu liên tục đến hết đời, chưa kể các biến chứng có thể xảy ra khi thiếu máu liên tục”.

Chi phí cho cuộc phẫu thuật khoảng 300 triệu (sau khi có bảo hiểm y tế chi trả 100%). Trường hợp nếu không có ai hiến tủy, thì gia đình Tú phải mua tủy ngoài với giá khoảng 600 triệu đồng nữa, tổng cộng hết gần 1 tỷ đồng.

“Bố mẹ giấu không cho em biết bệnh. Hôm ấy, em vô tình nghe được mẹ nói chuyện với bác sĩ ngoài cửa phòng bệnh, bác sĩ bảo bệnh em cần phải được thay tủy, nếu không thì phải truyền máu suốt đời. Chi phí cho cuộc phẫu thuật khoảng gần 1 tỉ đồng. Nhà nghèo, bố mẹ già yếu, thì làm răng kiếm được từng nớ tiền chữa bệnh cho em”? Tú nghẹn ngào nói.

Bố mẹ Tú là nông dân, trước kia, ông Nguyễn Khánh Tòng (55 tuổi)- bố Tú còn làm thợ hàn, tuy nhiên, mấy năm gần đây, sức khỏe yếu, ông không đi làm được nữa mà chỉ ở nhà làm việc nhẹ. Cuộc sống của gia đình chỉ dựa vào 1 sào rưỡi đất ruộng trồng lúa, thu nhập hằng tháng không đáng kể. 

Ngôi nhà cấp 4 hiện nay gia đình đang ở, cũng ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng cách đây hơn 5 năm từ số tiền ủng hộ vì người nghèo của huyện, và góp công của xóm làng.

Vì thế, nếu không có sự giúp đỡ nào, gia đình em Tú sẽ không thể nào xoay xở nổi. Hiện nay, mỗi ngày nằm viện, chi phí tiền thuốc, và truyền máu của Tú hết khoảng 1 triệu đồng.

Khát khao sống, vào ĐH để giữ lời hứa với anh trai

 “Em mong mình khỏi bệnh để đi học, đậu vào ĐH, thực hiện ước mơ của anh trai” - Tú chia sẻ 

Kể từ khi biết hoàn cảnh của em Tú, các bạn trong lớp và thầy cô giáo đã hết lòng động viên, quan tâm. 

Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Quyên (giáo viên chủ nhiệm lớp 11D2) cho biết: “Tú là một học sinh chăm ngoan, chịu khó, học lực khá. Không ngờ, em lại mắc chứng bệnh hiểm nghèo ở độ tuổi còn trẻ như thế. Các em học sinh trong lớp cũng quan tâm và thương bạn, tổ chức quyên góp ủng hộ cho Tú, viết thư lên cả Facebook và các trang mạng để kêu gọi các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ hoàn cảnh không may của Tú.

Vừa qua, trường THPT Quỳnh Lưu 1 cũng phát động đợt ủng hộ toàn trường, và trao tặng cho gia đình em Nguyễn Thị Thanh Tú số tiền gần 27 triệu đồng. hội phụ huynh nhà trường, cũng đến thăm, động viên gia đình em.

Ông Trần Văn Thuần - Bí thư xóm 2, xã Quỳnh Diện (Quỳnh Lưu) chia sẻ: Chúng tôi rất thương hoàn cảnh cháu Tú, nhà nghèo, bố mẹ già yếu không làm được chi. Cháu là người chăm ngoan, lễ phép, học tốt, và tham gia rất sôi nổi vào các phong trào hoạt động của địa phương, và là bí thư Đoàn của xóm. 

Vừa rồi, trong xóm cũng đã phát động mọi người quyên góp ủng hộ, nhưng người dân ở đây cũng đang khó khăn, số tiền không được bao nhiêu…”

Cô học sinh lớp 11 có gương mặt bầu bĩnh, hiền lành nhưng cứng cỏi bản lĩnh. Kể từ ngày biết bệnh tật của mình, em chính là người động viên để bố mẹ vững tin hơn. 

Tháng 4, vừa mới xuất viện về nhà được gần 2 tuần, Tú lại chóng mặt, xuất huyết dưới da, và ở đuôi mắt. Bố mẹ em tất tả vay mượn đưa con ra Hà Nội truyền máu. Nằm trên giường bệnh, em cứ thấp thỏm lo không kịp thi học kỳ cuối năm học. Đến lúc thấy đỡ, cô bé xin ra viện, về nhà để hoàn thành chương trình học. 

Các thầy cô trong trường cũng đã tạo điều kiện để em có thể thi lại các môn học vắng mặt. Kết quả năm học, em vẫn đạt học lực khá, Hôm tổng kết năm học, Tú cố gắng đến trường dự lễ tổng kết, rồi mấy hôm sau lại tiếp tục ra bệnh viện.

“Nhiều đêm nằm nghĩ, em chỉ thấy thương bố mẹ, thương anh trai. Bố mẹ già yếu, không làm ra tiền, em chưa báo đáp được chi cho bố mẹ, mà giờ lại mang bệnh. Nhà em chỉ có 2 em và anh trai, nếu lỡ em có mệnh hệ gì, thì anh trai em buồn và cô đơn lắm”.

Anh trai Nguyễn Việt Anh (SN1995) rất thân thiết với Tú, dạy bảo, quan tâm chăm sóc cô em gái. Hai anh em thường xuyên chia sẻ tâm sự với nhau mọi điều trong cuộc sống. 

Nghe tin Tú cần phải thay tủy, anh trai Tú đã vội vàng ứng tháng lương học việc, về nhà cùng em gái ra Hà Nội với Tú để xét nghiệm tủy. Được biết, chi phí cho việc xét nghiệm tủy của cả 2 anh em Tú là 15 triệu (10 triệu đối với người cho, và 5 triệu đối với người nhận).

“Anh trai em học giỏi lắm. Em ngày trước học kém Hóa, nhờ anh trai em chỉ dạy thường xuyên, mà em đã học tốt lên rất nhiều, còn tham gia thi học sinh giỏi huyện nữa. Nhưng học hết lớp 12, nhà nghèo quá, anh không thi đại học, anh nói đi học nghề kiếm tiền phụ mẹ nuôi út ăn học. 

Anh đã nhường cơ hội thi và học ĐH cho em. Em chỉ mong sao em có thể khỏi bệnh, để báo đáp công ơn của bố mẹ, của thầy cô, và giữ lời hứa với anh trai”, Tú chia sẻ.

Mọi sự giúp đỡ, ủng hộ gia đình em Nguyễn Thị Thanh Tú xin gửi về địa chỉ:

Ông Nguyễn Khánh Tòng, (bố em Nguyễn Thị Thanh Tú) xóm 2, xã Quỳnh Diễn, Quỳnh Lưu, Nghệ An (ĐT: 01653903769)

Tác giả bài viết: Hồ Lài