Chỉ còn gần 1 tuần nữa, người dân cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ dài ngày để sắm sửa, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón năm mới Giáp Thìn 2024.
Tuy nhiên, nhiều ngày nay, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành miền Bắc xảy ra hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Độ ẩm không khí cao, nồm ẩm khiến nhà cửa, đồ đạc ẩm ướt.
Nhiều người băn khoăn, hình thái thời tiết này có kéo dài đến Tết Nguyên đán?
Cầu Thê Húc ở Hồ Hoàn Kiếm ẩn hiện trong lớp sương mù dày đặc sáng 2/2. (Ảnh: Khổng Chí) |
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn cho biết, sương mù dày và mưa phùn khả năng kéo dài đến khoảng sáng 4/2. Từ 5/2, sương mù và mưa phùn xu hướng giảm do có bộ phận không khí lạnh yếu di chuyển xuống các tỉnh miền Bắc.
"Theo dự báo hiện tại, các tỉnh miền Bắc từ nay đến 7/2 thời tiết chủ đạo là mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù về đêm và sáng, trưa chiều trời nắng. Riêng khu vực đồng bằng và Hà Nội ít khả năng xuất hiện nắng. Các tỉnh miền Trung và miền Nam duy trì trạng thái thời tiết tốt.
Từ 8-9/2 (từ 29 tháng Chạp), không khí lạnh tăng cường, kết thúc mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Những ngày Tết Nguyên đán, trời chuyển rét, vùng núi rét đậm, có nơi rét hại", ông Lâm thông tin.
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm, các tỉnh miền Trung có thể xuất hiện mưa tập trung ở Trung Trung Bộ. Các tỉnh, thành miền Nam thời tiết nắng mạnh trong những ngày Tết Nguyên đán, có nơi nắng nóng trên 35 độ C, rất ít khả năng xuất hiện mưa.
Theo dự báo của trung tâm khí tượng, trong tháng 2/2024, không khí lạnh tiếp tục tác động thời tiết nước ta, có thể hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm. Giai đoạn 10 ngày giữa tháng 2, không khí lạnh khả năng hoạt động xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trên toàn quốc, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm 0,5-1 độ C.
Ngoài ra, Trung và Nam Trung Bộ khả năng xuất hiện các đợt mưa, mưa rào và cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to trong tháng 2/2024.
Cũng trong tháng này, tổng lượng mưa ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ được dự báo phổ biến thiếu hụt 5-15mm so với trung bình nhiều năm, trong đó, các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ lượng mưa cao hơn từ 10-20mm. Trung và Nam Trung Bộ thiếu hụt 15-30mm. Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, khô hạn còn kéo dài.
Sương mù, dông, lốc, sét, mưa đá tiếp tục xuất hiện trên phạm vi toàn quốc, ảnh hưởng đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.