Kinh tế

'Không bán cho tư nhân những doanh nghiệp Nhà nước kém chất lượng'

Admin

Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh khẳng định không chạy theo tốc độ trogn việc bán vốn mà tập trung vào tính hiệu quả.

Nhân dịp đầu năm 2019, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã có cuộc trao đổi ngắn với Zing.vn về mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, cổ phần hóa là xu thế đúng và tất yếu, tuy nhiên không nên tính toán cổ phần hóa nhanh hay chậm, mà cần tập trung vào tính hiệu quả.

“Mình phải xác định một mục tiêu chính, làm sao cổ phần hóa để làm cho lĩnh vực đó, doanh nghiệp đó tốt lên, mạnh lên so với trước. Chứ không phải cổ phần hóa là mục tiêu tối thượng, mục tiêu chỉ là bán vốn thì không phải là mục tiêu đúng”, ông nói.

 Ông Nguyễn Hoàng Anh. Ảnh: VGP.

Ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh quá trình cổ phần hóa phải có thời gian để kiểm tra, đánh giá và độ chiêm nghiệm. Để cổ phần hóa hiệu quả nhất thì phải đánh giá được một cách tổng thể về doanh nghiệp đó. Trong đánh giá, cũng không chỉ đánh giá đơn thuần ở giá trị tài sản, vốn, lĩnh vực kinh doanh, mà còn nhiều yếu tố khác, đặc biệt là những yếu tố tiềm năng.

Chủ tịch “siêu Ủy ban” cũng nhấn mạnh tính hiệu quả ở đây phải được xem xét ở góc độ cả người mua và người bán đều có lợi. Nghĩa là Nhà nước sau khi bán vốn, số vốn đó phải đem lại hiệu quả. Doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng phải tốt lên.

Ông khẳng định không bán cho tư nhân những doanh nghiệp kém chất lượng.

“Nhà nước không bán cho tư nhân những sản phẩm không chất lượng, không đảm bảo, không hiệu quả. Suy cho cùng tiền của Nhà nước, tiền của tư nhân, cũng là tiền trong quốc gia mình cả. Do đó, cổ phần hóa thì tất cả các bên phải có lợi”, ông nói.

Do đó, ông Hoàng Anh cho rằng trước khi cổ phần hóa, Nhà nước cũng coi trọng việc tạo cho doanh nghiệp một giá trị tiềm năng, hấp dẫn trước khi cổ phần hóa. Ông ví như một cái áo, nếu nhìn vào cái áo biết nó chỉ có giá trị cụ thể, bao nhiêu tiền thì không ai mua. Nhưng nhìn vài cái áo mà người ta thấy “hiệu quả này, hiệu quả nọ”, thấy có tiềm năng thì sẽ dễ bán.

“Làm ra một sản phẩm có giá trị khó định lượng mới hiệu quả. Trách nhiệm của Nhà nước như vậy mới quan trọng”, ông nói.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng nói về vướng mắc đất đai trong vấn đề cổ phần hóa. Ông cho rằng điểm khó nhất chính là tách bạch giữa giá trị đất đai và giá trị doanh nghiệp. Vấn đề này vẫn còn nhiều quy định vướng mắc, Ủy ban sẽ có nghiên cứu sớm về vấn đề này.

 Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết Nhà nước sẽ không bán ra thị trường các doanh nghiệp kém chất lượng. Ảnh minh họa: TT.

Ông Hoàng Anh cũng cho rằng dư luận đang nói về vấn đề đất đai trong cổ phần hóa “quá tả, quá hữu”. Ông nhấn mạnh nếu có thị trường cạnh tranh lành mạnh, thì việc “ách tắc này kia” không còn nữa. Hiện tại, thị trường vẫn có những thứ chưa lành mạnh, chưa minh bạch như thông thầu.

Ông cũng ví việc định giá đất đai trong cổ phần hóa phải tạo ra tiềm năng thì mới cổ phần hóa thành công.

“Cũng như một sản phẩm, có người mua về chỉ dùng được 50% giá trị, có người thì phát huy được 100% giá trị. Do đó đồng tiền mua cũng khác nhau. Nếu giá trị nó 10 đồng và định giá nó đúng 10 đồng thì không ai mua, vì người ta mua có lời đâu mà người ta mua”, ông nói.

Đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Ủy ban đang quản lý 19 doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước với tổng tài sản 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn.

Trong số này có 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

11 tổng công ty còn lại gồm Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.