Thế giới

Khủng hoảng Syria: Giai đoạn mới với những cuộc đối đầu mới

Admin

Cuộc khủng hoảng Syria đã bước vào giai đoạn mới sau một số diễn biến quân sự gần đây. Giới phân tích nhận định, những cuộc đối đầu mới ở Syria hiện nay đang đe dọa quốc gia Trung Đông này.

Những diễn biến mới

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã nêu ra một loạt diễn biến mới ở Syria. Đầu tiên là "cuộc đua" giữa chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các lực lượng Mỹ đã chấm dứt ở miền Đông Syria, tạo ra hiện trạng mới dựa trên các đường ranh giới thuộc sông Euphrates. Thứ hai là Damascus đã giành được quyền kiểm soát các thành trì của lực lượng đối lập tại các tỉnh Hama và Homs ở miền Trung Syria. Và thứ ba là Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát hoàn toàn TP Afrin ở miền Bắc Syria, tăng cường ảnh hưởng của Ankara ở khu vực.

Hậu quả tiềm tàng, nghiêm trọng nhất của những diễn biến này là cuộc chiến tranh ủy nhiệm hiện đang diễn ra ở Syria có thể biến thành cuộc xung đột giữa các cường quốc khu vực hay thậm chí là quốc tế.

Tại mặt trận phía Nam, tỉnh Daraa do lực lượng đối lập kiểm soát, gần khu vực biên giới giáp với Jordan đã "được chọn làm khu vực giảm căng thẳng" sau một thỏa thuận giữa Washington và Amman. Sau khi giành lại quyền kiểm soát những khu vực ở thủ đô Damascus từ tay lực lượng đối lập, chính quyền Syria đã chuyển sự chú ý sang phía Nam, mới đây đã điều động một số lượng lớn binh sĩ tới Daraa.

Động thái này đã dẫn tới các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ, Israel, chính quyền Syria và Iran. Sự hiện diện của phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah và các nhóm dân quân thân Iran là một mối đe dọa lớn nhất đối với Israel – quốc gia đã tiến hành một số cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu ở bên trong lãnh thổ Syria.

 Chưa ai biết khi nào chiến tranh ở Syria sẽ chấm dứt. Ảnh tư liệu

Dấu hiệu rạn nứt niên minh Nga-Iran

Trong khi đó, Iran đã bị "dồn vào chân tường" sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Ngoài ra, liên minh Nga - Iran gần đây cũng có dấu hiệu rạn nứt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã tuyên bố rằng tất cả các lực lượng nước ngoài hiện ở Syria, trong đó có Iran, nên rút khỏi quốc gia Trung Đông này. Giới chức Iran ngay lập tức tuyên bố "không nước nào có thể gây sức ép buộc chúng tôi phải rút khỏi Syria." Nga vẫn chưa thuyết phục Iran rời khỏi quốc gia bị chiến tranh tàn phá này, nhưng Moscow đã đảm bảo rằng các lực lượng dân quân thân Iran sẽ đóng quân cách khu vực biên giới của Israel khoảng 70 đến 80 km, một khoảng cách được cho là an toàn đối với Tel Aviv.

Bên cạnh đó, Iran không tham gia bất kỳ hoạt động quân sự nào ở khu vực dọc theo mặt trận phía Nam. Nếu phía Nga đảm bảo việc Iran cam kết rời đi, Mỹ cũng sẽ rời khỏi căn cứ không quân Al-Tanf gần biên giới Jordan trong khi các nhóm vũ trang đối lập sẽ chuyển giao quyền kiểm soát các khu vực mà lực lượng này chiếm giữ cho nhà chức trách Jordan.

Một khi mặt trận phía Nam Syria được đảm bảo, hai vùng khác sẽ được tính tới một cách kỹ lưỡng gồm Idlib - vốn đã trở thành một vùng nằm dưới sự ảnh hưởng của Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một loạt trạm quan sát ở khu vực này, và các khu vực do những tay súng thuộc Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) chiếm giữ dưới sự "che chở" của Mỹ.

Các lực lượng Mỹ bị cho là đã sát hại hơn 100 binh sĩ Syria, các tay súng dân quân được Iran hậu thuẫn và lính đánh thuê của Nga khi tìm cách tiến về phía Đông sông Euphrates. Với tình thế này, Nga khó có khả năng có bất kỳ động thái nào có thể dẫn tới leo thang căng thẳng với Mỹ. Ngoài ra, cũng sẽ là phi thực tế nếu trông đợi Iran phát động bất kỳ chiến dịch quân sự lớn nào tại những khu vực nằm dưới sự bảo vệ của Mỹ.

Trong khi đó, chính quyền Syria rút cuộc có thể quay trở lại khu vực phía Nam bằng cách tiến tới một thỏa thuận với YPG. Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ, chính quyền Damascus có thể phát động cuộc chiến nhằm làm tiêu hao sinh lực của các lực lượng Mỹ. Đáng chú ý, thủ lĩnh các bộ lạc ở Aleppo, Raqqah và Al-Hasakah mới đây đã thông báo thành lập một lực lượng mới có vẻ như là nhằm quét sạch các thế lực nước ngoài khỏi Đông Syria.

Về phần mình, chính quyền Syria đã cảnh báo Mỹ rằng họ sẽ phải đối mặt với một "môi trường không an toàn" trong trường hợp họ không rút khỏi nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm Idlib

Idlib cũng nằm trong tầm ngắm của Damascus, nhưng Idlib có vị trí đặc biệt quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ và bất kỳ động thái đơn phương nào trong khu vực này có thể dẫn tới sự trả đũa của Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm chiếm Idlib và bố trí các cơ sở quân sự ở Idlib. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thiết lập 12 trạm quan sát ở Idlib, nơi Nga và Iran đã tăng cường những nỗ lực nhằm thiết lập các cơ sở tương tự của chính họ.

Ngoài ra, kết quả của các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về Manbij nhiều khả năng sẽ tác động tới những động thái tiếp theo của chính quyền Syria. Theo "lộ trình" của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, YPG sẽ rút khỏi khu vực này, trong khi các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ "lấp vào chỗ trống". Nếu mô hình này chứng minh là thành công, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xúc tiến một sự dàn xếp tương tự ở Đông Syria.

Và nếu mô hình Manbij được thực hiện thành công, Đông Syria rốt cuộc có thể trở thành "khu chịu ảnh hưởng chung của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ." Tuy nhiên, trong kịch bản này, sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Iran sẽ bị suy giảm. Sự hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến Nga, Iran và Syria trả đũa đối với sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.

Trong kịch bản thứ hai, Mỹ có thể chỉ "câu giờ" ở Manbij, hành động theo kiểu "lấy lệ" với hy vọng giảm sức ép từ Ankara. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thấy được bất kỳ bước đi cụ thể nào ở Manbij, sự hợp tác giữa nước này với Nga và Iran nhiều khả năng sẽ sâu sắc hơn.