Tin địa phương

Khuyến công Hải Phòng: Đào tạo nghề theo địa chỉ

Admin

Trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế, hàng năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hải Phòng dành nguồn vốn đáng kể triển khai các đề án đào tạo nghề nhằm bổ sung nguồn lao động chất lượng cao cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn thành phố.

 Đào tạo nghề giúp người lao động tăng thu nhập 

Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017, trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Quý Phương (xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo) và Công ty TNHH Xây dựng và hợp tác Phúc Linh (xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy) tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp cho 200 lao động khu vực nông thôn. Kết thúc khóa đào tạo, các học viên đã nắm bắt được những lý thuyết cơ bản về kỹ thuật may và thiết bị ngành may, quy định về an toàn vệ sinh lao động; thực hiện thành thạo những thao tác cơ bản trong từng công đoạn trên dây chuyền may công nghiệp, đặc biệt các quy trình sản xuất sản phẩm trên dây chuyền thiết bị may chuyên dụng. Sau khi được kiểm tra tay nghề và đạt tiêu chuẩn, các học viên đã được Công ty TNHH Quý Phương, Công ty TNHH Xây dựng và hợp tác Phúc Linh nhận vào làm với thu nhập ổn định.

Theo đại diện Sở Công Thương Hải Phòng, với vai trò khuyến khích ngành CNNT phát triển, công tác khuyến công luôn được thành phố ưu tiên dành nguồn lực thực hiện. Nội dung của chương trình khuyến công cũng được triển khai khá toàn diện, trong đó, đào tạo nghề là chương trình trọng điểm. Hoạt động đào tạo nghề chủ yếu được thực hiện bằng hình thức đào tạo tại chỗ, ngắn hạn (tối đa 3 tháng). Mục tiêu là trang bị cho lao động các kỹ năng, kỹ thuật phù hợp với thực tế đầu tư trang thiết bị, công nghệ của cơ sở CNNT, bảo đảm lao động sau đào tạo có tay nghề, kỹ thuật, có khả năng vào làm việc ngay được trên dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề được khuyến công Hải Phòng tập trung thực hiện tại một số ngành nghề chính như: Chế biến nông - lâm, thủy sản; cơ khí gia công sản xuất, sửa chữa máy móc, nông cụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; cơ khí tiêu dùng; sản xuất hàng tiêu dùng hoặc hàng xuất khẩu như dệt, may, da giày…; sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề truyền thống… Từ năm 2014 tới nay, đã có hơn 33.000 lao động khu vực nông thôn được đào tạo nghề, nâng cao tay nghề. Tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt rất cao, trên 90%.

Một trong những yếu tố làm nên kết quả khả quan trong công tác đào tạo nghề của khuyến công Hải Phòng là gắn với địa chỉ cụ thể. Dựa trên nhu cầu thực tế, trung tâm phối hợp với từng cơ sở, doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo. Phương thức này đã khắc phục được hạn chế không gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Theo phương thức dạy nghề truyền thống, sau khi được đào tạo, người lao động không nắm rõ kỹ năng nghề, tỷ lệ học viên chuyển đổi nghề vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hay mở cơ sở kinh doanh rất hạn chế.

Với hiệu quả đã được kiểm chứng, trong thời gian tới, khuyến công Hải Phòng tiếp tục nhân rộng mô hình đào tạo nghề theo địa chỉ. Đồng thời, tăng thời lượng cho phần thực hành nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động khu vực nông thôn.