Cây mít cổ thụ có tuổi đời hơn 500 năm
Người dân ở xóm Chợ, xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội luôn tự hào rằng nơi mình sinh sống có một "cụ" mít hơn 500 tuổi. Bất cứ ai đi ngang qua đây đều bị thu hút bởi vẻ ngoài đặc biệt của cây mít này.
Thân cây phải 2 vòng tay người trưởng thành mới ôm xuể. Bộ rễ xù xì nổi trên mặt đất.
Cây mít cổ thụ hơn 500 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: Người đưa tin)
Trả lời phỏng vấn của Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hòa – Trưởng xóm Chợ cho biết: "Các cụ kể lại, từ thời chiến tranh chống giặc Pháp, cây mít này bị bao mảnh bom, đạn găm vào thân nên tạo thành nhiều vết sẹo. Cây mít này đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn sừng sững bao đời nay. Người dân đã gọi nó là 'thần cây'".
Ông Hòa chia sẻ thêm: "Trước đây nơi trồng cây mít là bãi đất trống, quanh thân cây được lát bằng gạch tay. Nhưng từ năm 2017, khi xây nhà văn hoá của xóm thì sân quanh cây mít được đổ bê tông, lát gạch đỏ. Do cây mít đã nhiều tuổi nên một số cành khô, héo bị mối mọt đã được cắt bớt, người dân trong làng nhiều lúc phải bắt mối bằng tay. Người dân địa phương hằng năm đều phải bón phân vào đầu mùa xuân và thường xuyên tưới nước cho cây."
Thân cây mít cổ thụ ở Đông Anh phải 2 người lớn ôm mới xuể. (Ảnh: 24h)
Theo báo Người Lao động, cây mít cổ thụ này được người dân xã Cổ Loa trồng trên "đất Đế Vương" xưa. Hiện nay, cây mít có vẻ ngoài kỳ quái, thân và gốc cây xù xì. Mặc dù cây đã nhiều tuổi nhưng vào mùa xuân cây vẫn ra quả và đến khoảng tháng 7, tháng 8 thì mít chín. Trước đây, quả của cây mít cổ thụ to nhưng do giờ cây già cỗi nên giờ quả chỉ còn được 3-4kg.
Còn theo VietnamPlus, đến nay, cây mít cổ thụ vẫn tiếp tục bật lên những nhánh non. Từ thân câu xù xì, nứt nẻ này, mỗi mùa vẫn cho người dân từ 10-15 trái mít.
Mặc dù cây đã hơn 500 tuổi nhưng vẫn ra nhánh non. (Ảnh: 24h)
Nhiều người dân ở xóm Chợ cho rằng đây là cây mít cổ thụ "cao niên" nhất ở Việt Nam. Vào năm 2021, Hội di sản chính thức gắn biển vinh danh và công nhận "Cây mít cổ thụ trên 500 tuổi được trồng trên đất Đế vương".
Ngày nay, cây mít 500 tuổi là nơi để người dân nơi đây hóng mát, tập thể dục… cũng là điểm đến cho du khách khi về tham quan ở Cổ Loa.
Cây mít cổ thụ đã được vinh danh là "Cây mít cổ thụ trên 500 tuổi được trồng trên đất Đế vương". (Ảnh: Người Lao động)
Vì sao cây mít cổ thụ thường được trồng phổ biến?
Tại Việt Nam, những cây mít cổ thụ được trồng phổ biến không chỉ làm cây ăn quả mà còn mang ý nghĩa phong thủy quan trọng. Cây mít cổ thụ (Artocarpus heterophyllus) thuộc họ Moraceae, là loại cây ăn quả lớn với chiều cao từ 10-20 mét. Chúng là loại cây có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, cho ra quả quanh năm.
Thân cây mít cổ thụ có màu xám sẫm, phân cành cao và tạo thành tán lá rộng, xum xuê. Bề ngoài thân cây có vân nổi nhiều lớp, tạo nên sự cổ kính và uy nghi. Lá cây có hình bầu dục, mép lá có răng cưa, màu xanh tươi.
Tại Việt Nam, những cây mít cổ thụ được trồng phổ biến. (Ảnh: Nhà vườn Trúc Lâm)
Quả mít có kích thước lớn, trọng lượng từ 1-30 kg, có màu xanh khi chưa chín và chuyển sang màu vàng khi chín. Thịt quả màu vàng, hương vị thơm ngon, chứa nhiều dưỡng chất bổ dưỡng như vitamin C, vitamin E, kali, magiê và chất xơ. Vỏ quả mít có nhiều gai nhỏ, khi chín có mùi hương đặc trưng, rất thu hút.
Ngày xưa, tại nhiều thôn, làng, xóm người Việt thường trồng các cây mít với mong muốn tượng trưng cho sự sung túc, dồi dào tài lộc. Ngoài ra, cây mít có sức sống mạnh mẽ, cho quả quanh năm tượng trưng cho sự vươn lên và phát triển vượt trội.
Cây mít cũng có khả năng chịu đựng được những điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thể hiện sự bền bỉ và kiên trì. Vì thế, nhiều người quan niệm rằng trồng cây mít giúp gia chủ tăng cường ý chí, kiên trì trong công việc và cuộc sống, đạt được những thành công lớn và bền vững.
Tổng hợp