Hồi đầu tháng, một bà mẹ người Trung Quốc đã tình cờ đọc được một bài luận con gái viết về những gì cô bé đã phải trải qua tại trường. Khi câu chuyện được chia sẻ lên trên WeChat, bài viết bỗng trở nên nổi tiếng và được chia sẻ rầm rộ tại Trung Quốc.
Câu chuyện là những dòng tâm sự nghẹn ngào của bé gái bị giáo viên hành hạ cả về thể xác và tinh thần. Cô bé kể lại việc mình bị giáo viên tại một trường tiểu học tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, thường xuyên dùng que đánh đập, kể cả khi các em chỉ mắc những lỗi rất nhỏ hoặc lý do cực kỳ vô lý như không tặng quà cho giáo viên nhân dịp sinh nhật. Một lần khi phản ứng lại, em đã bị giáo viên đánh 20 cái.
Mặc dù Trung Quốc đã cấm việc đánh học sinh trong trường học từ năm 1986, những vụ bạo hành như vậy vẫn diễn ra. Tại nhiều vùng nông thôn, việc giáo viên đánh học sinh vẫn còn phổ biến. Tháng 4/2016, một đoạn video ghi lại cảnh giáo viên mầm non tại thành phố Trùng Khánh đánh đập một học sinh lớp bốn đã khiến dư luận nước này vô cùng phẫn nộ.
Được biết, mẹ của em học sinh sau đó đã báo cáo sự việc với cơ quan giáo dục địa phương vào hôm 28/6. Cơ quan này cho biết cô Yan - người đánh đập em học sinh đó, chỉ là một giáo viên hợp đồng và đã kết thúc hợp đồng với nhà trường vào hôm 30/6 vì lý do thai sản.
Trên trang Weibo, nhiều thành viên bày tỏ sự giận dữ trước quyết định này: "Nghỉ việc là đủ hả, cô ta phải đi tù và nhận trách nhiệm trước pháp luật".
Bé gái lớp 4 bị cô giáo đánh đập, mắng mỏ rất nhiều lần tại trường. (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa). |
Lá thư đầy cảm động của bé gái bị giáo viên đánh đập tại trường:
"Cô giáo à, đây là những gì em muốn nói.
Cô giáo, em không biết em đã làm gì khiến cô bực mình từ đầu năm học. Em nhớ ngày đầu tiên cô đánh em là ngày thứ 5 trong kỳ một, lớp một. Cô ném cuốn sách giáo khoa vào mặt em mặc dù em không rõ mình đã làm gì sai. Mặt cô trông giận dữ đến đáng sợ mà giờ em cũng không thể nào quên. Em luôn là học sinh nghe lời nhất trong lớp, luôn luôn ngoan ngoãn dù cô có nói gì đi chăng nữa.
Em tập trung trong giờ học, không bao giờ nô đùa, không phá phách hay nói chuyện trong giờ. Còn nữa, em chưa bao giờ kể cho cha mẹ chuyện xảy ra ở trường. Em luôn cố gắng trở thành một học sinh ngoan trong mắt cô nhưng mọi thứ không được như vậy - em luôn là học sinh bị đánh mắng dù em không hiểu mình có làm sai điều gì.
|
Không chỉ vậy, em còn bị các bạn trong lớp bắt nạt mà chỉ dám trốn trong toilet, không dám ra ngoài. Em không dám nói với cô bởi vì cô ghét đứa mách lẻo. Có một lần khi em đến nhà cô học thêm sau giờ học, cô không cho bọn em đi vệ sinh và em đã lỡ đi vệ sinh ra quần. Lúc nào em cũng nỗ lực, nhưng em không bao giờ được tôn trọng, kể cả khi em có điểm cao nhất lớp. Em ước cô khen em dù chỉ một lần, nhưng tất cả những gì em có được là sự thất vọng. Cô không bao giờ gọi khi em giơ tay. Từ đó, em không muốn giơ tay lên bảng nữa.
Một lần, trong khi em đang ngồi yên tại chỗ, cô đến chỗ em và đập vào lưng. Em cảm giác rất phẫn uất - làm sao một đứa trẻ như em có thể chịu được. Em đã nói với mẹ nhưng mẹ không tin và bảo: "Một giáo viên có quyền đánh học sinh". Em đã câm nín bởi vì em bị đánh mà chẳng vì lý do gì.
Câu chuyện về một lần ngâm thơ khiến em buồn nhất. Em đã cố gắng học thuộc lòng bài thơ, nhưng nhóm trưởng không gọi em đọc và sau đó, bạn ấy đã báo với cô rằng em không thuộc. Em trượt bài kiểm tra đó. Cô đã định đánh em nhưng em vùng lên phản kháng. Vậy mà cô chỉ tin lời của bạn nhóm trưởng và không cho em cơ hội đọc thơ trước mặt cô. Thay vào đó, cô đã dùng gậy đánh em 20 lần.
|
Em trở về nhà và vô cùng đau lòng, không ăn uống. Mẹ em đã đến trường gặp nhưng cô giả vờ là không có chuyên gì xảy ra. Cô còn chỉ trích mẹ và gia đình em nữa. Em biết rằng mẹ sẽ không nói gì lại cô vì mẹ muốn tốt cho em. Vài ngày sau đó, cô lại gọi em ra sau lớp và đánh em vì một phép tính sai. Cô còn nói: "Có vẻ cô đã nói với em rằng em là một con bé mách lẻo. Giờ về bảo với mẹ em nữa đi". Nhưng em sẽ không giận dữ vì em biết đó là do mình tính sai.
Điều khiến em giận dữ là cô còn yêu cầu lớp trưởng và các tổ trưởng đánh thành viên trong nhóm. Tại sao cô lại làm như vậy? Cô có biết là các bạn sẽ bắt chước hành động của cô không? Cô có biết cảm giác của em khi nhặt cuốn sách vị xuống sàn không?
Trước hôm quốc tế thiếu nhi, cô nói rằng cô rất mệt mỏi. Cô gọi học sinh mang đồ ăn và nước lên cho cô. Ba mẹ em cũng làm theo và mang đồ ăn đến nhà cô. Nhưng có lẽ nhà em đã quá ngây thơ nên chỉ nghĩ mang đồ ăn là đủ. Em mang đến một quả dưa hấu nhưng cô lại mắng gia đình em, nói em là đồ vô ơn, không tôn trọng cô.
Suốt nửa học kỳ, em chỉ hy vọng rằng năm học sẽ sớm kết thúc nhưng em không dám nói cho cha mẹ vì sợ ba mẹ sẽ lo lắng. Em chỉ muốn làm một đứa trẻ ngoan trong mắt cô.
Rồi đến sinh nhật của cô, 3/6, một vài học sinh trong lớp tặng cô hoa, vòng cổ, bánh kem và cả phong bì nữa. Cô đã nhắc về việc đó rước cả lớp. Tuy nhiên, vì bài tập về nhà quá nhiều nên em quên không nói cho ba mẹ. Kết quả là, cô đã đánh em vào sáng hôm sau. Cô đánh em 8 lần liên tục, tím cả cánh tay. Em không thấy đau ở cánh tay, mà em thấy đau trong lòng, nhiều lắm cô ạ.
|
Cô Yan yêu quý, cô có bao giờ biết rằng mẹ em đã tặng cho cô rất nhiều thứ mà ngay cả bà em cũng chưa bao giờ được biết đến trong suốt 4 năm liền không. Tiền, quà, đồ ăn là thứ sẽ giúp em không bị cô đánh đập và la mắng liên tục. Nhưng cô không bao giờ thỏa mãn cả, cô luôn muốn bọn em đi học thêm sau giờ học, phải không? Em đã đi học sau giờ học suốt 4 năm và em cảm thấy mệt mỏi. Em có thể tự làm bài tập về nhà. Số tiền hơn 3 triệu học phí có thể giúp các gia đình nghèo mua gạo ăn cả năm. Không dễ dàng gì để ba mẹ em kiếm được tiền, nhưng ẹm em nói rằng em nên đi học để khỏi bị cô trù. Đổi lại, ba mẹ em đã phải làm việc vô cùng vất vả để kiếm tiền. Nhưng em không muốn đưa cho cô những số tiền vô lý như vậy, nên em thà chịu đánh đập và la mắng còn hơn.
...
Giờ đã là nửa đêm và em tỉnh dậy để viết ra những dòng đầy tâm trạng như vậy. Em không dám nói cho ai cả, em cũng không biết lý do là gì. Nó khiến em cảm thấy vô cùng áp lực. Em đã phải chịu nó trong suốt nhiều năm liền. Em đau lắm cô ạ, nước mắt em cứ rơi còn tay em đang run lên. Tại sao thế giới này lại không công bằng như vậy? Tại sao một đứa bé như em phải chịu nhiều nỗi đau như vậy? Chúng ta không thể kiểm soát được số phận hay những điều rủi ro, nhưng kể cả hành vi của con người cũng trở nên không kiểm soát được như vậy hả cô?'.
|