Sau khi kết quả kinh doanh giảm mạnh trong nửa đầu năm 2017 cùng với gần 8.000 nhân viên phải nghỉ việc, tình hình tại Vinasun tiếp tục báo động trong quý III, khi kết quả kinh doanh tiếp tục đi xuống, hàng nghìn nhân sự nghỉ việc.
Cụ thể, trong quý III, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) báo lãi ròng giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt gần 46 tỷ đồng.
Sau khi 8.000 nhân viên phải nghỉ việc trong nửa đầu năm, đến hết quý 3 lại có thêm gần 2.000 nhân viên Vinasun thôi việc. Ảnh: Anh Quân. |
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận công ty giảm mạnh là do doanh thu thuần trong quý chỉ đạt chưa tới 547 tỷ đồng, giảm gần 54% so với cùng kỳ năm 2016. Đây cũng là mức doanh thu thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây của ông lớn taxi này.
Đặc biệt, sau khi gần 8.000 nhân viên đã phải nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm thì hết quý III lại thêm 1.900 nhân viên Vinasun nghỉ việc. Tính đến cuối quý III, số lượng nhân viên tại công ty chỉ còn lại 7.292 người, trong khi con số đầu năm lên tới hơn 17.000 người.
Số lượng nhân viên giảm mạnh một phần do nhiều tài xế phải chuyển sang hoạt động theo mô hình kinh doanh nhượng quyền thương mại, không được xem là nhân viên chính thức tại Vinasun. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp do tài xế nghỉ việc để chuyển sang chạy Uber, Grab.
Sau khi 8.000 nhân viên phải nghỉ việc trong nửa đầu năm, đến hết quý 3 lại có thêm gần 2.000 nhân viên Vinasun thôi việc. Ảnh: Anh Quân. |
Trong công văn kiến nghị gửi Thủ tướng hồi giữa tháng 5, Vinasun cho biết nguyên nhân chính khiến tình trạng kinh doanh của công ty giảm là do chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh "thiếu lành mạnh" của Uber và Grab.
Điểm sáng duy nhất trong hoạt động kinh doanh của Vinasun là biên lãi gộp của công ty tăng mạnh trong quý, lên 24,5% từ mức gần 15% cùng kỳ trước đó. Nguyên nhân do công ty thay đổi chính sách ghi nhận doanh thu.
Tính đến hết tháng 9, tổng doanh thu toàn hệ thống Vinasun đạt gần 2.451 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ, và mới hoàn thành chưa tới 60% kế hoạch đề ra trước đó (4.256 tỷ đồng). Khoản lợi nhuận sau thuế của Vinasun cũng tiếp tục tụt dốc, chỉ đạt 146 tỷ đồng từ đầu năm, giảm gần 40% so với cùng kỳ.
Trong hoạt động kinh doanh của mình, dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi vẫn là mảng kinh doanh đóng góp phần lớn nguồn thu vào tổng doanh thu của công ty. Tuy nhiên, sau 9 tháng, nguồn thu chính của Vinasun đang có dấu hiệu “hãm” lại, chỉ đạt gần 1.500 tỷ đồng.
Ngược lại, Vinasun đang tích cực đẩy mạnh dịch vụ vận tải theo hợp đồng và nhượng quyền thương mại nên ghi nhận doanh thu từ đây tăng gấp 8 lần cùng kỳ đạt 550 tỷ đồng.
|
Khoản thu nhập khác giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt gần 119 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ thanh lý xe đạt mức 90 tỷ đồng, giảm gần 23 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu từ quảng cáo trên taxi của Vinasun lại tăng đột biến mang về cho công ty hơn 26 tỷ đồng, gấp 4 lần trước đó.
Bên cạnh doanh số sụt giảm, Vinasun cũng đang thu hẹp hoạt động với việc thanh lý xe tiếp tục được triển khai. Tổng tài sản của công ty đến 30/9 đã giảm 12% so với đầu năm, ghi nhận mức 2.841 tỷ đồng.
Một ảnh hưởng kém tích cực từ kết quả kinh doanh sụt giảm chính là cổ phiếu VNS của Vinasun đang bị bán mạnh kể từ đầu năm nay.
Hiện tại, thị giá VNS chỉ vào khoảng 16.600 đồng/cổ phiếu, giảm gần 50% so với hồi đầu năm. Vốn hóa công ty trên thị trường đã bốc hơi gần 1.100 tỷ đồng từ đầu năm.
"Ông lớn" taxi này cũng vừa cho ra mắt dịch vụ đặt xe qua tin nhắn Facebook và ước tính giá cước như Uber, Grab.
Vinasun cũng đang mở rộng địa bàn hoạt động tại các tỉnh phía Nam, nơi Uber, Grab chưa xuất hiện thông qua các thương vụ nhượng quyền, mua bán sáp nhập…
Mới đây, Vinasun đã chi gần 27 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng tài sản và quyền khai thác kinh doanh thương hiệu taxi Vinasa tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và An Giang.