Giáo dục

Lần đầu tiên có trường phổ thông quốc tế trong trường ĐH công lập

Admin

Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan nằm trong Trường ĐH Tôn Đức Thắng ở TP HCM có chương trình dạy và học 100% bằng tiếng Anh, do giáo viên quốc tế giảng dạy.

 Giáo viên Phần Lan sinh hoạt với học sinh

Sáng 8-12, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Ban Quản lý Dự án Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) tổ chức “Ngày lớp học Phần Lan 2018”.

Thông qua 2 lớp học mẫu theo đúng mô hình giáo dục Phần Lan, đơn vị tổ chức muốn giới thiệu về Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan, một mô hình giáo dục Phần Lan kiểu mẫu tại TP HCM.

Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) có tổng diện tích xây dựng hơn 40.000 m2 trong khuôn viên trụ sở chính của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Các trang thiết bị dạy học do đội ngũ chuyên gia Phần Lan cố vấn.

Thông tin từ nhà trường cho biết có 2 chương trình giáo dục được triển khai song song, gồm: Chương trình quốc tế được dạy-học 100% bằng tiếng Anh, do giáo viên Phần Lan và giáo viên quốc tế giảng dạy, dựa theo chương trình giáo dục phổ thông Phần Lan (từ lớp 1 đến lớp 9) và chương trình International Baccalaureate (tú tài quốc tế) để thi lấy bằng tú tài quốc tế. Ngoài ra, học sinh Việt Nam vẫn được học bổ sung các môn bằng tiếng Việt theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Chương trình song ngữ tích hợp được dạy học bằng tiếng Anh và tiếng Việt, trong đó số giờ học bằng tiếng Anh tăng dần qua các năm học, luôn đảm bảo bằng và cao hơn số giờ học bằng tiếng Việt. Chương trình do giáo viên Phần Lan, Việt Nam và quốc tế giảng dạy, được biên soạn dựa trên chương trình phổ thông Phần Lan, tích hợp với một số nội dung trong chương trình Việt Nam, dạy theo phương pháp giáo dục Phần Lan. Học sinh có thể thi lấy bằng tú tài Việt Nam khi hoàn tất chương trình.

Năm học 2019-2020, trường sẽ tuyển sinh cho chương trình tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5, quy mô 2-4 lớp/khối, mỗi lớp có sĩ số từ 20-25 học sinh. Học sinh nhập học vào tháng 8-2019.

Đây là lần đầu tiên một trường phổ thông quốc tế được phép thành lập bên trong một trường đại học công lập.