Kinh tế

Lão nông trồng chanh trên đất đỏ, thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm

Admin

Sau nhiều lần trồng tiêu thất bại, ông Nguyễn Văn Lăng (53 tuổi, thôn Ia Só, xã Hbông, huyện Chư Sê) đã mạnh dạn nhập giống chanh tứ quý từ Bình Phước về. Từ đây, ông Lăng bắt đầu nhân giống và triển khai mô hình trồng chanh tại vùng đất đỏ, mang về cho gia đình thu nhập khủng mỗi năm.

Sau nhiều lần thất bại với việc trồng tiêu, ông Nguyễn Văn Lăng (53 tuổi, thôn IaSó, xã Hbông, huyện Chư Sê) quyết định rẽ ngang chuyển đổi qua trồng chanh tứ quý. Từng có một thời gian ở Bình Phước, ông Lăng nhìn được giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại cho người dân nơi đây. Từ góc nhìn đó, ông quyết định nhập giống chanh này về Chư Sê để thử nghiệm trên chính mảnh đất trồng tiêu bị chết của mình.

“Gia đình tôi đã thử nghiệm trồng nhiều loài cây ở vùng đất này, tuy nhiên kinh tế vẫn chưa ổn định. Đặc biệt, khi cây tiêu, loài cây cho thu nhập chủ yếu lại chết liên tục trong nhiều năm liền. Trước thảm cảnh trên, tôi quyết định nhập giống chanh tứ quý từ Bình Phước, rồi tận dụng mảnh đất trồng tiêu bị chết để trồng chanh.”.

 Ông Lăng bên vườn chanh của mình

Bước đầu thử nghiệm, ông Lăng trồng 150 cây chanh. Sau một thời gian, thấy cây phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng đất, ông Lăng quyết định trồng thêm 500 cây nữa. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập, ông Lăng nhập thêm giống bưởi da xanh từ Bình Phước để trồng xen canh cùng với chanh.

“Đến hiện tại, vườn của tôi đã có hơn 2000 cây chanh, 500 cây bưởi. Khách của tôi chủ yếu là các thương lái đến từ Nha Trang, Kon Tum và Gia Lai. 1 kí chanh được bán tại vườn cho các thương lái có giá 15.000 ngàn đồng/kg. Bưởi da xanh có giá từ 35.000 - 40.000 ngàn đồng/kg, tùy vào thời điểm. Nhờ đó, thu nhập kinh tế của gia đình tôi đã ổn định hơn sau nhiều năm trồng 2 loại cây này. Bây giờ mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, công cán, tôi thu về gần 1 tỷ đồng,…”, ông Lăng cho biết thêm.

Một số hộ dân trong xã Hbông sau khi nhìn thấy giá trị kinh tế của loại chanh tứ quý, cũng như cho năng suất ổn định, đặc biệt không bị chết như tiêu. Các hộ đã tìm tới ông Lăng để mua giống cây chanh. Được biết, số tiền bán cây giống cũng đã đủ giúp ông Lăng đầu tư cho vụ chanh, bưởi cả năm.

 Những quả chanh trái mùa, chín mọng tại vườn ông Lăng

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng chanh đúng cách, để mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Lăng bộc bạch: “Loại chanh tứ quý này rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Chỉ cần bón phân đầy đủ, nếu được tốt nhất là nên bón phân chuồng. Ngoài ra, còn dựa vào tình hình thời tiết mà tưới tắm đúng thời điểm. Lúc này, cây sẽ cho ra bông, cho ra những quả chanh chất lượng, đẹp, căng mọng, mang lại giá trị cao trong lúc giao thương”.

Cũng như các loại cây trồng khác, cây chanh cũng mắc phải một số loại bệnh như: sâu vẽ bùa, nhện đỏ. Đặc biệt là bệnh sì mủ, cây sì từ dưới gốc cây lên,… Khi mắc những bệnh này, cây thường cho trái xấu, dẫn tới mất giá trong khi bán. Để khắc phục một số loại bệnh trên, ông Lăng đã sử dụng biện pháp quét vôi dưới các gốc cây để phòng bệnh.

 Chuyển đổi cây trồng đã mang lại hiểu quả đối với nhiều hộ dân

Được biết, chanh tứ quý tại vườn của ông Lăng là loại cây cho trái quanh năm. Nên người trồng chanh cũng phải chăm sóc đặc biệt hơn các loại khác. Người trồng cần phải canh đúng thời điểm cây cho quả trái vụ, để bón phân cũng như hãm nước để kích cây ra quả. Bởi vì, nếu không áp dụng biện pháp trên, cây sẽ cho ra những quả chanh có chất lượng không đồng đều, làm giảm thu nhập.

Bằng suy nghĩ “dám nghĩ, dám làm”, khi tiêu chết hàng loạt, ông Lăng vẫn mạnh dạn đưa loài chanh tứ quý về trồng dù không biết thành công hay thất bại. Nhờ sự mạnh dạn, sự cố gắng tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm, vườn chanh đã mang về cho ông Lăng một nguồn thu nhập khủng mỗi năm.