Du lịch

Lên Yên Bái, thưởng thức món Pẻng cuổi của người Tày ở Lục Yên

Admin

Pẻng cuổi mang nét giản dị, mộc mạc như chính người dân tộc Tày ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái nhưng lại có hương vị khiến ai ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên.

 Pẻng cuổi từ lâu đã trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Tày ở 'miền đất Ngọc.'

Pẻng cuổi là tên mà người dân tộc Tày ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đặt cho một loại bánh làm từ chuối. Pẻng cuổi từ lâu đã trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Tày ở "miền đất Ngọc."

Chuối là một cây trồng khá phổ biến, mang lại một nguồn thu nhập cho người dân huyện Lục Yên. Trải qua thời gian, chuối đã được biến tấu thành các món ăn truyền thống, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, tiêu biểu là Pẻng cuổi.

Với đôi bàn tay khéo léo, người dân đã chế biến những quả chuối chín vàng thành những chiếc bánh chuối thơm ngon, hấp dẫn.

Bánh được tạo nên chủ yếu từ chuối và một chút bột gạo mới. Để làm một chiếc bánh chuối thơm ngon, giữ được hương vị nguyên vẹn của chuối, màu bánh vàng ruộm, bà con phải chuẩn bị khá công phu.

Đầu tiên, bà con bóc vỏ chuối, rồi sấy khô quả chuối, có thể cất đi để dùng dần trong năm. Khi làm bánh, chuối sấy khô được đem ngâm nước ấm cho mềm, sau đó người ta đem chuối thái thành từng lát mỏng rồi chia thành hai phần, một phần đem xay làm vỏ bánh, một phần để trang trí.

Bột gạo cũng vô cùng quan trọng, quyết định độ mềm dẻo của bánh. Gạo được chọn phải là loại gạo do người Tày canh tác trên vùng đất Lục Yên. Gạo sẽ được ngâm 2 tiếng cho nở và mềm rồi mới đem đi xay thành bột. Phần bột này sẽ được trộn chung với bột chuối để làm vỏ bánh.

Theo kinh nghiệm của bà con, muốn có bánh thơm, ngọt thì chọn chuối tiêu, muốn bánh có độ dai dẻo, màu sắc sáng thì chọn chuối goòng.

 Việc hấp bánh phải đảm bảo thời gian vừa đủ để bánh không bị khô khi hấp quá lâu nhưng cũng không bị sượng khi chưa chín hết. (Nguồn: Báo Yên Bái)

Làm nhân bánh cũng là một khâu cần chú trọng. Lạc được rang vàng, thơm rồi bóc vỏ và giã nhỏ, sau đó trộn với đường và đậu xanh với một tỷ lệ thích hợp để bánh có độ ngọt vừa phải. Phần chuối cắt lát còn lại sẽ được phủ đều trên bề mặt bánh để bánh không chỉ thơm ngon mà còn có hình thức bắt mắt.

Lá gói bánh chính là lá chuối, dây buộc bánh là dây chuối. Sau khi được gói tỉ mỉ, bánh sẽ được mang đi hấp. Việc hấp bánh phải đảm bảo thời gian vừa đủ để bánh không bị khô khi hấp quá lâu nhưng cũng không bị sượng khi chưa chín hết. Bánh có màu vàng của lớp chuối trên bề mặt và bên trong mềm, dẻo là đạt yêu cầu.

Pẻng cuổi mang nét giản dị, mộc mạc như chính con người nơi đây nhưng lại có hương vị khiến ai ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên.

Bánh có thể ăn như một món quà quê dân dân dã hay dùng chung với trà. Nếu thưởng thức riêng, bánh chuối sẽ giữ được trọn vẹn hương vị nguyên thủy của núi rừng Tây Bắc. Trong thời tiết se lạnh, vừa ăn miếng bánh chuối thơm ngon vừa uống một tách trà nóng thì vô cùng lý tưởng. Vị trà nóng sẽ làm dậy lên mùi thơm của lạc, vị ngọt của chuối và độ dẻo của bột gạo.

Ngày nay, dù có nhiều loại bánh khác nhau nhưng với người Tày, phong tục làm Pẻng cuổi vẫn được gìn giữ.

Bánh là món quà quê dân dã nhưng cũng là món ăn trân trọng được dâng lên bàn thờ gia tiên mỗi dịp cưới hỏi hay trong dịp các lễ quan trọng, đặc biệt là Lễ hội Đền Đại Cại.

 Sôi nổi Hội thi gói Pẻng cuổi tại Lục Yên trong khuôn khổ chương trình du lịch 'Về miền đất Ngọc.' (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Yên Bái)

Vào ngày 2/12 vừa qua, trong khuôn khổ chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc," huyện Lục Yên đã tổ chức hội gói Pẻng cuổi, thu hút 12 đội đến từ 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Đến với Hội thi lần này, mỗi đội chọn ra 5 người có kinh nghiệm gói bánh và khéo tay để trình diễn gói bánh.

Thông qua hội thi, người dân trên địa bàn huyện có dịp giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc gói bánh chuối, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc nơi đây./.

Nguồn tin: vietnamplus.vn