Kinh tế

Loài cá chỉ một lát nhỏ xíu cũng đã hơn 1,4 triệu đồng, nhà giàu muốn ăn cũng phải chùn tay

Admin

Những lát sushi nhỏ làm từ cá ngừ vây xanh được mua tại các cuộc đấu giá hàng năm ở chợ cá Tsukiji của Nhật Bản có mức giá lên tới 65 USD, tương đương 1,5 triệu đồng.

Một trong những món ăn đắt đỏ nhất thế giới

Sushi là một trong những món ăn truyền thống của Nhật Bản. Trong đó, sushi cá ngừ (thường được biết tới với tên gọi Kuro maguro) được xem là một trong những món đắt đỏ nhất. Tại cửa hàng bình thường, chúng có giá không dưới 1 USD, nếu làm từ những con cá ngừ đặc biệt, giá của nó có thể lên đến 65 USD (khoảng 1,5 triệu VND).

 Trước đây, cá ngừ vây xanh được làm thức ăn cho chó mèo, nhưng về sau lại có giá cao ngất ngưỡng.

Đặc biệt, cá ngừ vây xanh là một thành phần chính của món sushi, được gọi là “Kuro maguro” (cá ngừ đen) ở Nhật Bản và được những người sành ăn sushi ưu ái đặt tên là “kim cương đen” vì độ quý hiếm của nó.

Một điều khá thú vị, vào thập niên 60, mọi người không quan tâm nhiều đến loại cá này. Mọi người cho rằng, loài cá này có quá nhiều chất béo, nhiều dầu, nấu lên vị nhạt nhẽo nên được dùng làm thức ăn cho chó, mèo.

Tuy nhiên, về sau, loài cá này được người Nhật Bản chế biến thành sushi thì lại được đẩy giá trị lên cao gấp bội. Thậm chí, cá ngừ vây xanh giờ đã trở thành một trong những nguyên liệu đắt giá hàng đầu thế giới. Có thời điểm, giá mỗi con cá này lên đến 1,76 triệu USD (tương đương gần 40 tỉ đồng).

 Trong một phiên đấu giá tại chợ cá tấp nập Tsukiji ở Tokyo, con cá ngừ nặng 222 kg mắc câu ở ngoài khơi phía đông bắc Nhật Bản đã được bán ra với giá 155,4 triệu yen, tương đương 1,7 triệu USD.

Vì sao cá ngừ vây xanh lại có gái đắt đỏ như vậy?

Một trong những điều khiến cá ngừ vây xanh trở thành món ăn thượng hạng với mức giá đắt khủng khiếp đến từ quy trình đánh bắt, chế biến đặc biệt nghiêm ngặt.

Đầu tiên, tất cả những con cá đánh bắt lên đều bị giết một cách nhanh chóng. Vì sao ư? Vì nếu để cho cá quẫy quá mạnh, quá trình trao đổi sinh hóa bên trong cơ thể cá sẽ xảy ra, dẫn đến chuyện chất lượng thịt cá ngừ giảm đi.

Đó cũng là lý do khiến hàng chục nghìn tấn cá ngừ tại Việt Nam xuất khẩu sang Nhật, chỉ có một số ít là đủ tiêu chuẩn để làm sushi, vì ngư dân thường dùng chày gỗ để đập chết cá.

Mặt khác, theo ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa phân tích: "Nếu người Nhật chỉ mất 2-3 ngày cho một chuyến đi biển, thì chỉ riêng việc đến được ngư trường Trường Sa, thuyền câu của Việt Nam đã phải mất 3 ngày.

Cộng thêm bằng đó thời gian để quay về đất liền, con cá phải bảo quản trong đá suốt 1 tuần. Thế nên dễ hiểu vì sao cá ngừ Nhật lên bờ còn tươi rói, trong khi cá của Việt Nam đã giảm chất lượng đi nhiều".

Còn ở Nhật, để "xử lý" cá nhanh, các ngư dân sẽ dùng dao hoặc móc thọc thẳng vào não, khiến cá chết ngay tức thì.

Sau đó cá sẽ bị mổ bụng, moi ruột, hoặc các ngư dân sẽ để nguyên cả con cá tươi vào trong hầm đá lạnh. Đây chính là phương pháp bảo quản phổ biến nhất.

Loại đá sử dụng để ướp cá cũng phải là đá "sạch". "Sạch" ở đây không có nghĩa là như nước tinh khiết, mà không được phép chứa các tạp chất làm thay đổi mùi vị của cá.

Hầu hết cá ngừ vây xanh đánh bắt sẽ được tập kết 3 khu chợ chính, trong đó nổi tiếng nhất là chợ Tsukiji - trung tâm giao dịch cá ngừ vây xanh lớn nhất thế giới.

Tại đây, những con cá ngừ đã bị cắt đuôi, mổ bụng được đem đấu giá. Trọng lượng và xuất xứ của cá cũng được viết thẳng lên thân bằng mực đỏ.

Từ đây, cá sẽ được chuyển thẳng tới các nhà hàng sushi tại Nhật Bản - nơi các đầu bếp cần những kỹ năng tinh tế để xử lý cá một cách chuyên nghiệp nhất.

Thịt cá ngừ được chia làm ba loại, lưng, lườn và bụng. Những miếng sushi làm từ thịt bụng bao giờ cũng có giá đắt nhất, trong đó đã từng có trường hợp một suất sushi cá ngừ có giá lên tới $375 (gần 8 triệu đồng).

Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng tăng, cá ngừ trở thành mục tiêu của những chuyến đi biển dài ngày của các ngư dân khu vực Thái Bình Dương, Địa Trung Hải. Việc đánh bắt quá mức với niềm tin "đây là nguồn lợi không bao giờ cạn" đã đẩy trữ lượng cá ngừ toàn cầu giảm xuống chỉ còn 10% trong vòng 30 năm.

The Independent dẫn chứng, mỗi năm, người Nhật tiêu thụ khoảng 3/4 lượng cá ngừ vây xanh khai thác được trên thế giới, và 80% lượng cá ngừ đánh bắt từ Địa Trung Hải sẽ kết thúc số phận của chúng trên bàn ăn của người Nhật.

Trữ lượng giảm khiến ngư dân không còn cách nào khác ngoài việc khai thác những con cá có cân nặng ít, thậm chí chưa đến tuổi sinh sản. Nếu như thời kỳ đầu, cá ngừ vây xanh đánh bắt được có thể đạt kích thước 3m và cân nặng 450 kg, thì ngày nay, những con cá nặng tới 180 kg rất hiếm khi xuất hiện. Ngược lại, cá ngừ vây xanh trọng lượng dưới 36 kg (chưa đủ cân nặng trưởng thành) lại được bán rộng rãi hơn.

Cũng chính vì nhu cầu tiêu dùng cao của người dân mà hiện nay giá của chúng trở nên vô cùng giá đắt đỏ.