Kinh tế

Loại cây nhìn như “rễ tre”, nào ngờ đào được củ quý hiếm, giá lên ngay 100 triệu đồng

Hậu Nguyễn

Có một loại tam thất hoang lõi vàng cực hiếm, được dân buôn ví như "vàng ròng 9999". Đặc biệt, củ càng nặng giá càng đắt đỏ.

Thời gian vừa qua, trên thị trường tam thất rừng có giá hàng chục triệu đồng/kg thậm trí hàng trăm triệu được săn mua làm quà biếu. Còn tam thất trồng hiện có hai loại: củ tươi và củ khô, giá dao động từ 2-3 triệu đồng/kg tùy kích cỡ. Loại dược liệu này rất được ưa chuộng, dùng để ngâm rượu, trộn mật ong, pha nước uống hàng ngày. Theo dân gian, ngoài công dụng giảm stress, tốt cho sức khỏe thì với phụ nữ, tam thất còn làm đẹp da, đen tóc...

Chia sẻ với Vietnamnet, anh Trần Thế Cường ở Ngũ Hiệp ở Hà Nội, một đầu mối buôn tam thất nổi tiếng cho biết, ngoài dòng tam thất trồng có giá từ 2-3 triệu đồng tùy kích cỡ, trên thị trường hiện nay còn có dòng tam thất cao cấp, đó chính là tam thất hoang (tam thất rừng).

Điều đáng nói với dòng tam thất hoang, chúng được khai thác hoàn toàn tự nhiên, ở trong những khu rừng có độ cao lên đến trên 1.000m so với mực nước biển. Giá của loại tam thất hoang thường được bán theo trọng lượng củ và số năm tuổi. Củ càng nặng giá càng đắt đỏ. Đặc biệt, với những củ có trọng lượng từ 0,5kg trở lên thường được bán theo củ chứ không bán theo cân và theo dáng củ. Thế nên, trên thị trường đã có củ tam thất bán với giá cả 100 triệu đồng.

“Như bộ 4 củ tam thất hoang, trọng lượng cả 4 củ chỉ đạt 3,2kg nhưng giá tôi mua lên tới 100 triệu đồng”. Anh Cường nói và cho biết thêm, trong 4 củ anh vừa mua có 2 củ nặng 0,9kg/củ, 1 củ nặng 0,6kg và 1 củ nặng 0,8kg với số năm tuổi khoảng 20 năm.

Giá của 4 củ tam thất này đắt đỏ là bởi chúng là tam thất hoang lõi vàng (tam thất có hai loại quý là tam thất lõi vàng và lõi xám ghi). Loại này thường được dân buôn ví như vàng 9999.

Hình ảnh 4 củ tam thất rừng quý hiếm giá 100 triệu.

Cũng theo anh Cường, tam thất hoang càng ngày càng hiếm, đặc biệt là những củ nhiều năm tuổi và có trọng lượng khủng. Bốn củ tam thất hoang lõi vàng này anh mua được của một người dân may mắn tìm được trên dãy Hoàng Liên Sơn. Sau khi đem về đến Hà Nội, đã có đại gia chi tiền mua luôn cả 4 củ tam thất này để về ngâm rượu.

Với trọng lượng khủng, tam thất hoang lõi vàng thường được bán theo củ, theo dáng chứ không theo trọng lượng

Tuy nhiên, giá bộ 4 củ tam thất bán sang tay cho vị đại gia ở Hà thành là bao nhiêu thì anh Cường không tiết lộ, chỉ cho biết, tam thất có rất nhiều công dụng trong bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ chữa một số bệnh.

Với loại tam thất tươi, nếu là tam thất trồng hoặc tam thất rừng loại nhỏ, cách dùng phổ biến nhất là cắt lát ngâm mật ong hoặc phơi khô tán thành bột uống. Song, với những củ có trọng lượng khủng, họ thường mua về để ngâm rượu với mục đích vừa để lấy rượu uống và vừa sưu tập để chơi.

"Có người mê tam thất, chuyên sưu tầm về ngâm rượu chơi. Số lượng họ có lên tới 50-60 bình, trong đó một nửa số bình rượu là ngâm các củ tam thất cổ với trọng lượng khủng", anh chia sẻ.

Tam thất hoang được biết đến là một trong những loại thuốc quý trong các vị thuốc bắc. Đáng chú ý, khoảng hơn chục năm về trước, loại tam thất bắc này được các thương lái Trung Quốc thu mua nhiều nên bà con miền núi phía Bắc đã vào rừng đào bới gần như cạn kiệt.

Loài cây quý này mọc chủ yếu tại các đỉnh núi cao từ 1.000 mét so với mặt nước biể, quanh năm mây mù, sương phủ. Chúng phân bổ chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu; Điện Biên; Lào Cai....của Việt Nam và các vùng núi cao thuộc Vân Nam, Tây Tạng của Trung Quốc.

Thông tin trên Dân Việt để phân biệt được tam thất xịn những người sành sỏi về loài Sâm và Tam thất thường nhận diện ra chúng nhờ hình dáng cây, lá và màu sắc của lõi củ. Tam thất hoang được chia làm 5 loại: Xám ghi, đỏ tía, xanh, vàng và trắng. Trong số 5 sắc tố này thì loại vàng và xám ghi dễ bị nhầm lẫn với sâm Ngọc Linh. Riêng với tam thất rừng tự nhiên thì củ lúc nào cũng có độ săn chắc, nhìn thân củ hơi gầy, bên trong cũng có màu vàng hoặc màu ghi. Rất dễ nhận biết so với tam thất hoang tăng trọng.

Lợi ích tam thất đối với sức khỏe

Củ tam thất rừng quý hiếm nhưng rất tốt cho sức khỏe.

Tam thất là vị thuốc quý, còn được gọi là kim bất hoán (vàng không đổi), bởi có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Thạc sĩ, bác sĩ Hà Vũ Thành, Bệnh viện K (Hà Nội), tư vấn:

Tam thất là vị thuốc nổi tiếng được sử dụng lâu đời ở nước ta. Vị thuốc này còn được gọi là kim bất hoán (vàng không đổi). Tam thất là những cây hay mọc ở vùng núi cao như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai. Các bộ phận được dùng làm thuốc gồm cây, lá, hoa trong đó rễ là quý nhất.

Trong thành phần của củ tam thất có chứa chất saponin nhóm dammaran. Một số nghiên cứu chỉ ra củ tam thất có hàm lượng saponin cao ngang với nhân sâm, ngoài ra còn chứa các axit amin, các chất polyactylen, panaxytriol…

Người dân dùng tam thất để bồi bổ sức khỏe vì có nhiều tác dụng cho cơ thể. Bạn có thể dùng rễ, lá, cây tam thất để cầm máu nếu có chấn thương. Tam thất còn điều hòa miễn dịch, kích thích cải thiện khả năng ghi nhớ, tránh căng thẳng.

Đặc biệt trong Y học hiện đại cũng thấy rằng tam thất chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa nhiều bệnh tật trong đó có bảo vệ mạch máu. Người bị bệnh tim mạch dùng tam thất có thể cải thiện tình trạng bệnh. Tam thất cũng hỗ trợ trong điều trị ung thư, kháng khuẩn, kháng virus. Dân gian dùng tam thất trị u thũng.

Trong Đông y, tam thất có vị ngọt, tính ấm quy vào các kinh can, thận. Tam thất có tác dụng cầm máu chữa thổ huyết, chảy máu cam, trị các vết bầm tím, chữa đi ngoài ra máu, kiết lị, rong kinh, hoa mắt chóng mặt.

Với người bệnh ung thư, tam thất có tác dụng hỗ trợ cho người bệnh ung thư thực quản, đại trực tràng… Phụ nữ sau sinh đẻ dùng tam thất rất tốt giúp giảm sưng nề, viêm tấy, lưu thông khí huyết, đào thải sản dịch.

Cách dùng rễ tam thất phổ biến là sấy khô tán bột. Bột tam thất có thể pha nước không cần dùng cùng mật ong. Tam thất tốt nhưng bạn không nên dùng nhiều. Liều lượng mỗi ngày là 5g bột tam thất. Bởi việc dùng tam thất kéo dài có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe như nóng, u nhọt, mệt mỏi.

Lưu ý, một số người không nên dùng tam thất là bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa hay tiêu chảy, rối loạn đông máu, trẻ em.