Thế giới

Lời tán tụng có thể làm sụp đổ cuộc gặp Trump - Kim

Admin

Tuyên bố về giải Nobel Hòa bình có thể kéo Trump tới bàn đàm phán, nhưng không khỏa lấp được khác biệt căn bản giữa Mỹ với Triều Tiên.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: CNN.

Ngay thời điểm xuôi chèo mát mái nhất cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra tại Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sóng gió bắt đầu nổi lên, bắt đầu với lời đe dọa rút khỏi hội nghị của Bình Nhưỡng và sau đó là tuyên bố "sẵn sàng hủy bỏ" của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, theo Vox.

Theo Robert E. Kelly, giáo sư tại Đại học Quốc gia Pusan, đây là diễn biến không bất ngờ, điều đáng ngạc nhiên chỉ là kỳ vọng quá lớn của dư luận thế giới và cả những người trong cuộc về một cuộc gặp được kết nối một cách khiên cưỡng cùng những quyết định được đưa ra quá vội vàng mà chưa tính đến "độ vênh" giữa các bên.

Cuộc gặp lịch sử Trump – Kim được "mai mối" bởi Moon Jae-in, người theo đường lối cánh tả vừa lên nắm quyền Tổng thống Hàn Quốc từ tháng 5/2017, giữa thời kỳ bán đảo Triều Tiên nóng hơn bao giờ hết bởi lời cuộc khẩu chiến quyết liệt giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Trong tình cảnh đó, Moon đã tìm mọi cách làm trung gian cho các cuộc đối thoại giữa Trump và Kim để hạ nhiệt tình hình.

Chiến lược của Tổng thống Hàn Quốc là đưa ra những lời hứa hẹn hoành tráng và ca ngợi hết lời về kết quả khả quan của các cuộc đàm phán, thậm chí còn tuyên bố rằng Trump xứng đáng với giải Nobel Hòa bình, như một cách để kéo Tổng thống Mỹ tới bàn hội đàm.

Tuy nhiên, Kelly chỉ ra rằng chiến lược này của Tổng thống Moon không bao giờ có thể thay đổi được thực tế rằng Mỹ và Triều Tiên mong muốn những điều khác nhau hoàn toàn. Mối quan tâm cốt lõi của cả Washington và Bình Nhưỡng trong cuộc gặp lịch sử này là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng mỗi bên lại hiểu khái niệm này theo một cách khác nhau.

Abigail Bard, chuyên gia về chính sách châu Á tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho biết mục tiêu của Mỹ là một quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (hay còn gọi là CVID) đối với Triều Tiên. Trong khi đó, Bình Nhưỡng lại định nghĩa rằng "phi hạt nhân hóa" là tiến trình kiểm soát vũ trang lẫn nhau được áp dụng với toàn bộ các lực lượng hạt nhân trên và quanh bán đảo, trong đó có quân đội Mỹ đóng ở Hàn Quốc và Nhật Bản, theo National Interest.

Bởi vậy, khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton yêu cầu Triều Tiên phải phá hủy toàn bộ kho đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo và vũ khí hóa học theo mô hình từng áp dụng ở Libya, Bình Nhưỡng đã gọi đây là sự đe dọa tới an ninh của họ và khẳng định không quan tâm đến việc "đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân".

Tuyên bố này của Triều Tiên khiến nhiều người hoài nghi đánh giá của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng Washington và Bình Nhưỡng đang "hòa cùng một nhịp". Cả hai bên dường như đều đang hướng tới bàn đàm phán mà không biết rõ khác biệt căn bản giữa họ sẽ được giải quyết như thế nào.

 Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Moon trong cuộc gặp ở Panmunjom hôm 27/4. Ảnh: Reuters.

Moon và Trump hôm nay sẽ có cuộc hội đàm tại Nhà Trắng để bàn về cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với lãnh đạo Triều Tiên. Giáo sư Kelly dự đoán rằng trong cuộc gặp này, Moon sẽ tìm cách "rót mật vào tai" Trump về mong muốn đi đến thỏa thuận của Triều Tiên, nhằm ngăn Tổng thống Mỹ quay lại với những lời đe dọa chiến tranh từng khiến người dân Hàn Quốc sợ hãi hồi năm ngoái.

Mong muốn hướng Trump vào con đường ngoại giao của Moon giải thích cho việc chính phủ Hàn Quốc luôn ca ngợi "công lao" của Tổng thống Mỹ đưa Triều Tiên đến bàn đàm phán thông qua biện pháp gây sức ép tối đa.

Bard cho rằng những lời ca ngợi này đều không đúng, bởi Triều Tiên sẽ không dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân và họ cũng đã khẳng định không phải ngồi vào bàn đàm phán vì sức ép từ phía Mỹ. Trump cũng khó có thể giành được giải Nobel Hòa bình, bởi Tổng thống Mỹ từng tuyên bố trước Liên Hợp Quốc rằng sẽ "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên".

"Ở Hàn Quốc, ai cũng biết rằng việc tâng bốc Trump là để ngăn ông ta phát động một cuộc chiến. Các đồng nghiệp và sinh viên của tôi đã cười nhạo về đề xuất trao giải Nobel Hòa bình cho Trump, không ai nghĩ rằng đến một ngày truyền thông phương Tây sẽ bàn luận về nó", giáo sư Kelly, người đang giảng dạy ở Hàn Quốc, cho biết.

Nếu thận trọng hơn và tham vấn kỹ càng từ đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia, Trump sẽ dễ dàng nhận ra rằng Hàn Quốc đang thổi phồng về mong muốn đàm phán của Triều Tiên. Trên thực tế, ông chấp nhận đề nghị gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên chỉ 45 phút sau khi nhận lời mời, thậm chí không thông báo với các nhân viên Nhà Trắng.

"Trump sau đó tự thưởng thức ly rượu chiến thắng của mình khi theo dõi những bản tin trên Fox News trong nhiều tuần liền rằng ông xứng đáng với giải Nobel Hòa bình. Giờ là lúc ông ngấm rượu", Kelly bình luận.

Các quan chức Nhà Trắng hôm nay xác nhận với CNN rằng dù Trump chưa thể hiện ý định hủy gặp Kim, những diễn biến gần đây đã khiến đội ngũ cố vấn của Tổng thống Mỹ có ấn tượng rằng cuộc gặp nhiều khả năng sẽ không diễn ra như những gì họ từng hình dung.

Chuyên gia Bard thì cho rằng độ vênh quá lớn trong định nghĩa "phi hạt nhân hóa" giữa Triều Tiên và Mỹ có thể dẫn tới thảm họa nếu chính quyền Trump vẫn muốn áp dụng "mô hình Libya" cho Triều Tiên. Khi đó, chính sách ngoại giao sẽ trở nên vô nghĩa với Bình Nhưỡng và cuộc gặp Trump – Kim nếu có diễn ra cũng sẽ không đi đến đâu.

"Đến lúc này, điều tốt nhất cần làm là hoãn cuộc gặp thượng đỉnh cho đến khi Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc tìm được tiếng nói chung nhiều hơn cũng như tạo điều kiện cho các chuyên gia về vấn đề này tìm ra những điểm đồng thuận", Bard nói. "Nhưng với mong muốn nhanh chóng đạt thành quả của Trump, hội nghị vẫn có thể diễn ra mà không ai biết chắc nó sẽ đi tới đâu".