Thế giới

Luật sư gốc Việt giúp người nhập cư tránh bị trục xuất khỏi Mỹ

Admin

Trong số 5 người nhập cư ở bang California được cấp lệnh ân xá cuối tháng ba, có một người nhận được sự hỗ trợ của luật sư Tania Pham.

 Phann Beach và vợ con anh. Ảnh: Facebook.

Hôm 30/3, ông Jerry Brown, Thống đốc bang California công bố ân xá cho 5 người nhập cư đang có nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ. Trong số đó, Phann Pheach là một người Campuchia đến Mỹ từ khi mới một tuổi. Là luật sư bào chữa cho Phann, bà Pham, một luật sư gốc Việt miêu tả quyết định này của Thống đốc đã mở ra hy vọng đoàn tụ cho gia đình Phann.

Theo CNN, động thái của ông Brown loại bỏ cơ sở để quan chức liên bang ra quyết định trục xuất những người được ân xá. Luật sư của họ có lợi thế tranh luận trước các thẩm phán tòa nhập cư. Người phát ngôn của văn phòng ông Brown cho hay những người được ân xá đã có lối sống tích cực, tôn trọng pháp luật. "Họ đã hoàn thành thời gian thi hành án nhiều năm trước và phần lớn bị kết án do các tội liên quan đến ma túy hoặc phi bạo lực".

Trao đổi với VnExpress, luật sư Pham cho hay hoàn cảnh của Phann giống với những người nhập cư Việt Nam đang bị giam, chờ ngày bị trục xuất. Vì thế bà cho rằng mình có thể thực hiện quy trình tương tự để giúp đỡ những người đồng hương được ân xá.

Theo bà Pham, Phann Pheach từng bị kết án tàng trữ chất cấm để buôn bán và đã ngồi tù 6 tháng. Sau đó anh bị chuyển đến nhà tù dành cho người nhập cư và thẩm phán nhập cư yêu cầu trục xuất anh năm 2005.

Luật sư Pham và đồng sự tại Văn phòng của mình đã nộp một danh sách các tài liệu cần thiết lên cơ quan liên quan. Trong đó có tài liệu cho thấy lần cuối Phann bị bắt là vào năm 2005 và không phạm thêm tội gì kể từ đó. Giấy tờ chứng minh anh ta có mẹ, vợ và con là công dân Mỹ, anh có một công việc ổn định. Nhóm của luật sư Pham cũng gửi kèm các lá thư từ chủ công ty mà Phann làm việc, từ bạn bè và gia đình, thư của sư ở ngôi đền mà anh làm tình nguyện viên. Bên cạnh đó có thư của chính Phann, kể về việc anh đã thay đổi thế nào và trở thành một công dân có trách nhiệm, nỗ lực làm việc để hỗ trợ gia đình và cộng đồng. Các giấy tờ y tế chứng minh con trai anh bị bệnh tim và mẹ anh có nhiều vấn đề về sức khỏe.

Sau khi tập hợp tất cả các tài liệu, Luật sư Pham đã điền một bản đăng ký và nộp lên chính quyền. Bà không nói rõ quy trình hồ sơ của Phann đến tay Thống đốc Brown như thế nào, nhưng cho biết ông ban hành nhiều lệnh ân xá vào dịp Lễ Phục sinh và Giáng Sinh.

Do Phann đã bị thẩm phán tuyên lệnh trục xuất, luật sư Pham đã nộp bản kiến nghị về việc dừng trục xuất và yêu cầu mở lại hồ sơ nhập cư của anh này. Nhờ đó thẩm phán cho phép Phann ở lại Mỹ.

"Tuần tới thẩm phán sẽ cho biết họ có cho phép mở lại hồ sơ nhập cư của Phann hay không.Nếu được, tôi có thể nộp đơn yêu cầu hủy lệnh trục xuất cho Phann. Nếu yêu cầu này được chấp nhận, thì Phann có thể có lại thẻ xanh", bà Pham nói.

Trong trường hợp hồ sơ nhập cư của Phann được mở lại, bà Pham có thể nộp một bản đề nghị yêu cầu thẩm phán đưa ra giao kèo (bond), cho phép gia đình trả khoản bảo lãnh và giúp Phann không bị trục xuất.

Nhắc đến những người nhập cư gốc Việt đang bị giam chờ lệnh trục xuất, luật sư Pham cho hay bà có thể giúp họ nộp đề nghị xin ân xá.

"Nếu họ phạm tội từ lâu rồi và không có thêm tội gì thì họ có cơ hội yêu cầu Thống đốc của bang mình cư trú ban lệnh ân xá. Họ phải chứng minh được mình đã thay đổi, trở thành người xứng đáng có được lệnh này", luật sư Pham nói.

Khoảng 40 người Việt đang bị chính quyền Mỹ giam trong khi chờ bị trục xuất, họ đến từ nhiều bang khác nhau như California, Texas, Florida, Louisiana, Georgia, Pennsylvania, Colorado. Cơ quan quản lý Di trú và hải quan Mỹ (ICE) từ tháng 3/2017 đã mở chiến dịch truy bắt những những người Việt tị nạn từng phạm tội và bị kết án ở Mỹ. ICE năm ngoái bắt giữ 71 người nhập cư gốc Việt và 35 trường hợp khác vào năm 2016.

Cục điều tra dân số Mỹ ước tính có khoảng 1,3 triệu người Việt nhập cư sống tại Mỹ. Trong số này, có tới 10.000 người Việt nhập cư nhận lệnh trục xuất, nhiều trường hợp là vì mất "thẻ xanh" do từng bị kết án, các luật sư cho biết. Những người rời khỏi Việt Nam trước ngày 12/7/1995, thời điểm hai quốc gia nối lại quan hệ ngoại giao, cũng thuộc nhóm bị bắt giữ.