Giới trẻ

Lý do 2k6 sẽ là lứa giáo viên mà phụ huynh nào cũng muốn gửi gắm con theo học

Thành Trịnh

Lý do đằng sau là gì?

Mới đây trên mạng xã hội, một status đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng mạng đó là: "2k6 là lứa giáo viên mà phụ huynh nào cũng muốn gửi gắm con theo học".

Đương nhiên status trên chỉ là một câu đùa vui. Tuy nhiên, cư dân mạng cho rằng vẫn có cơ sở để phần nào tin vào nó. Lý do là bởi để đỗ được vào các ngành sư phạm năm nay, sĩ tử phải là "học bá" trong những "học bá" vì điểm chuẩn nhiều trường đào tạo giáo viên cao kỷ lục, hơn cả Bách khoa, Y Dược, Ngoại thương - những trường thường được biết đến với điểm trúng tuyển cao ngất ngưởng trước đó. Với nền tảng tốt, nếu chăm chỉ nỗ lực và kiên trì theo đuổi ngành sư phạm đến cùng, các 2k6 chắc chắn sẽ là những giáo viên đầy "uy tín".

Tổng quan về điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay

Giữ "ngôi vương" điểm chuẩn năm nay, không chỉ ở nhóm ngành sư phạm, mà còn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 thuộc về ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội với 29,3 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc, thí sinh đạt 9,7 điểm/môn vẫn không thể trúng tuyển. Các ngành có điểm chuẩn cao kế tiếp của trường là: Sư phạm Địa lý (29,05 điểm); Sư phạm Lịch sử - Địa lý (28,83 điểm); Giáo dục đặc biệt (28,37 điểm); Giáo dục Quốc phòng và An ninh (28,26 điểm)...

Đại học Sư phạm Hà Nội

Tại Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn cao nhất trường thuộc về nhóm ngành Sư phạm Tiểu học với 28,89 điểm. Đứng ở vị trí thứ 2 là Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Lịch sử và Địa lý với 28,76 điểm.

Hiện tượng này cũng xảy ra tại trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên khi điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử cao nhất trường với 28,6 điểm, xếp ngay sau là Sư phạm Ngữ văn với 28,56 điểm và Sư phạm Địa lý với 28,43 điểm.

Ở khu vực miền Trung, chúng ta có 2 đại diện "sừng sỏ" trong lĩnh vực đào tạo giáo viên đó chính là Đại học Sư phạm - Đại học Huế và Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Ở trường Đại học Sư phạm Huế, nhiều ngành trên 25 điểm, trong đó cao nhất vẫn là "combo" Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn với lần lượt 28,30 và 28,10. Nhiều ngành sư phạm dạy bằng tiếng Anh cũng trường cũng rất hot, trên 28 điểm như: Sư phạm Sinh học (dạy bằng tiếng Anh); Sư phạm Vật lý (dạy bằng tiếng Anh); Sư phạm Hóa học (dạy bằng tiếng Anh).

Tiếp đến là Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Sư phạm Lịch sử vẫn giữ "ngôi vương" với 28,13 điểm và Sư phạm Ngữ văn là 27,83 điểm.

Đại học Sư phạm (Đại học Huế)

Tương tự tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn cao nhất trong tất cả các ngành của trường với 28,6 điểm. Điểm chuẩn hai ngành này tăng khoảng 1,6-1,75 điểm so với năm ngoái. Theo sau là ngành Sư phạm Địa lý với 28,37, tăng gần 2 điểm. Các ngành còn lại trong nhóm Sư phạm đều lấy từ 23,69 trở lên.

Còn ở trường Đại học Sài Gòn, điểm chuẩn đối với các ngành đào tạo giáo viên là cao nhất trong các ngành, dao động từ 21,59 đến 28,25. Trong đó, "khủng" nhất là ngành Sư phạm Lịch sử với 28,25, kế đến là ngành Sư phạm Ngữ văn với 28,11 và ngành Sư phạm Toán học là 27,75.

Đại học Sài Gòn

Tại sao có hiện tượng trên?

Theothông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sư phạm là 1 trong 4 ngành học có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển tăng cao nhất năm 2024, lên đến 85% so với năm ngoái (tương đương khoảng 200.000 nguyện vọng).

Tiêu biểu, tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, số thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường năm nay tăng 100% so với năm 2023 với 31.252 thí sinh. Trong khi đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng ghi nhận số học sinh đăng ký vào trường cực khủng, khoảng 40.000 nguyện vọng. Trước đó, kỳ thi đánh giá năng lực của trường cũng có lượng thí sinh tham dự tăng gấp 2,5 lần so với năm trước.

Thí sinh đổ xô đăng ký nhưng chỉ tiêu tuyển sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lại giao cho các trường lại ít. Đồng thời, các trường lại dành phần lớn chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm, kéo theo chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT còn lại không nhiều, ví dụ như một số ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học… của trường Đại học Sư phạm Hà Nội có số chỉ tiêu còn lại "đếm trên đầu ngón tay".

Trường Đại học Sư phạm TP.HCM có chỉ tiêu tuyển sinh rất ít

Cụ thể hơn, trao đổi với Tiền phong, PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nêu thực tế, nhu cầu giáo viên dạy các môn học hiện nay rất nhiều, thí sinh dự thi nhiều nhưng chỉ tiêu hạn chế, dẫn đến mức điểm chuẩn cao. Đơn cử như ngành Sư phạm Lịch sử, năm nay nhà trường chỉ lấy 40 chỉ tiêu.

Ngoài ra, hiệu trưởng cho rằng lý do hiện nay nhiều học sinh quan tâm đến ngành sư phạm bởi những quy định về hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, lương giáo viên tăng… Đây là những tín hiệu tích cực, do đó cần mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành sư phạm, nếu hạn chế như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ trên Dân Trí rằng nhìn chung điểm chuẩn năm nay ở các trường đều tăng, một phần do chính sách đãi ngộ học phí thu hút nhiều thí sinh. Quan trọng nhất, năm nay số thí sinh đăng kí vào sư phạm tăng vọt nhưng chỉ tiêu có hạn, do đó chỉ thí sinh top trên mới đủ điểm vào. Ngoài ra, trường còn có nhiều cơ chế, phương thức tuyển sinh riêng.

Còn một lý do khác nữa là do điểm thi năm nay tăng cao, đặc biệt ở tổ hợp khối C00. Theo dữ liệu điểm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước năm nay có đến 2 thủ khoa toàn quốc thi tốt nghiệp THPT 2024 với cùng mức 57,85/60 điểm, 22 Thủ khoa và 93 Á khoa các khối thi chính (A, A1, B, C, D). Trong đó khối C nhiều Thủ khoa nhất với 19 em cùng đạt số điểm 29,75/30. Hầu hết thủ khoa khối C đến từ tỉnh Bắc Ninh. Số còn lại là các thí sinh đến từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Đó còn chưa kể đến hàng dài Á khoa khối C đạt mức 29,5 điểm.

Chia sẻ kỹ hơn về chủ đề này trên VTV News, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết phân tích trên dữ liệu điểm các môn thi cho thấy tỷ lệ thí sinh đạt điểm giỏi, tức từ 8 điểm (riêng môn Ngữ văn tính từ 7 điểm do tính đặc thù) ở hầu hết các môn đều tăng so với năm 2023.

Tỷ lệ điểm giỏi môn Lịch sử tăng 6,6%. Môn Địa lý thậm chí còn có sự đột biến khi tỷ lệ bài thi điểm giỏi chiếm tới 31% trong khi năm 2023 chỉ là 6,6%. Môn Địa lý còn có "cơn mưa" điểm 10 với 3.175 bài thi môn Địa lý đạt điểm tuyệt đối trong trong khi 2023 chỉ có vỏn vẹn 35 bài đạt điểm 10. Môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên chiếm tỷ lệ 64,57%, cao kỷ lục từ trước tới nay, tăng gần 18,67% so với tỷ lệ tỷ lệ 45,9% của năm 2023.

Với phân tích trên, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho hay việc điểm chuẩn đại học năm nay sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm là điều đã được dự đoán trước ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi.

Tổng hợp