Tin địa phương

Mầm non tư thục ở Hải Phòng lao đao vì Covid-19

Admin

Hơn 4 tháng dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, chủ các cơ sở mầm non tư thục ở Hải Phòng và các giáo viên, cô nuôi dạy trẻ tại đây đang gặp rất nhiều khó khăn.

 Không biết đến bao giờ các trường mầm non trên địa bàn Hải Phòng mới trở lại cảnh đông vui, nhộn nhịp như trước
ẢNH NVCC

Bán hàng online, bán cơm kiếm sống

Nghỉ dạy từ tháng 5, khi UBND TP.Hải Phòng yêu cầu các cơ sở mầm non trên địa bàn thành phố tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Thủy (33 tuổi, ngụ P.Hùng Vương, giáo viên Trường mầm non tư thục Họa Mi Vàng ở Q.Hồng Bàng) đành nhập hàng gia dụng, quần áo về bán online kiếm thêm thu nhập.

Thế nhưng, lời lãi chưa rõ được bao nhiêu, chị Thủy bị ngã xe gãy xương bàn chân. “Tôi bó bột nằm ở nhà hơn 1 tháng nay. Công việc bán hàng cũng phải tạm dừng. Đã khó lại càng thêm khó hơn”, cô giáo Thủy chia sẻ.

Theo chị Thủy, những năm chưa có dịch, khoảng thời gian này là lúc cả trường đang tất bật chuẩn bị cho việc đón năm học mới. “4 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, chưa bao giờ tôi thấy nghề gặp khó khăn thế này. Nhớ trường, nhớ nghề, nhớ bọn trẻ quá, mà dịch Covid-19 mãi không dứt”, chị Thuỷ ngậm ngùi.

Chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Diệu Anh (25 tuổi, ngụ Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) đã quyết định sẽ từ bỏ công việc giáo viên mầm non do gặp quá nhiều khó khăn, để cùng mẹ đẻ nấu cơm bán trên mạng kiếm sống. “Tôi yêu trẻ nên học chuyên ngành mầm non. Đi làm mấy năm, không bao giờ nghĩ sẽ đổi nghề, thế mà dịch Covid-19 bắt mình phải thay đổi. Gần 2 năm qua, chúng tôi chỉ được dạy 3, 4 tháng, rồi lại nghỉ. Bấp bênh quá, nên tôi buộc phải bỏ nghề nuôi dạy trẻ để làm việc khác ổn định hơn”, chị Diệu Anh cho biết.

Trong khi đó, chị Lê Thị Oanh (34 tuổi, ngụ xã Đồng Thái, H.An Dương, giáo viên Trường mầm non Minh Phương ở Q.Lê Chân) thì ở nhà 4 tháng qua. “Tôi có con nhỏ trước đây đi học ở chỗ tôi làm, bây giờ trường đóng cửa, tôi cũng phải ở nhà trông con. Không giống như giáo viên công lập, chúng tôi không đi dạy thì không có lương, đành để chồng nuôi. Tôi cũng không còn trẻ để dễ dàng đổi nghề. Bí bách lắm!”, chị Oanh cho hay.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên mầm non tại Hải Phòng, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì chi phí sinh hoạt do việc kiếm một nghề thay thế hay làm thời vụ trong lúc dịch bệnh như hiện nay không dễ dàng, khi nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ ở Hải Phòng đang phải tạm dừng hoạt động.

Giáo viên được hỗ trợ, chủ trường thì không

Nếu các cô nuôi dạy trẻ, giáo viên khó khăn 1, thì chủ trường, chủ cơ sở mầm non tư thục khó khăn gấp 10. Chị Đào Thị Nhiễm, Chủ trường mầm non Họa Mi Vàng (P.Hùng Vương, Q.Hồng Bàng), cho biết: “Tìm được người yêu trẻ, biết nghề là rất khó. Chính vì vậy, để hỗ trợ các cô và giữ chân giáo viên, tôi đã cố đóng bảo hiểm cho họ trong thời gian nghỉ dạy. Mỗi tháng, tôi mất gần 10 triệu đồng cho khoản này, đấy là chưa kể các chi phí khác, trong khi không thể thu một đồng nào”.

Theo nhiều chủ cơ sở mầm non, trường càng lớn, càng nhiều cơ sở thì càng chịu thiệt hại nặng nề. Anh Hoàng Trung Thành (43 tuổi), chủ 3 trường mầm non mang tên Minh Phương ở Q.Lê Chân, cho biết: “Tại Hải Phòng, trung bình tiền thuê mặt bằng trường mỗi tháng rơi vào khoảng 20 - 40 triệu đồng, tùy địa điểm, chưa kể các chi phí liên quan. Việc dừng hoạt động khiến tôi thiệt hại khoảng 200 triệu 1 tháng”.

Cũng theo anh Thành, trong khi các giáo viên sẽ được hỗ trợ từ gói hỗ trợ 2.600 tỉ đồng của Chính phủ, hoặc được hưởng chính sách vay vốn không lãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, thì các chủ trường mầm non không thuộc diện hỗ trợ nào. “Tôi biết dịch phức tạp, nhưng thực lòng chỉ mong được mở lại trường càng sớm càng tốt. Trường tư thiệt hơn trường công do phải đi thuê mặt bằng, lương giáo viên thì không được hưởng ngân sách. Đóng cửa là thất nghiệp hết”, anh Thành buồn bã nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Hiệu, Chánh văn phòng Sở LĐ-TB-XH TP.Hải Phòng, cho biết người lao động, giáo viên, cô nuôi dạy trẻ tại các cơ sở mầm non tư thục nằm trong diện được nhận hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng.

"Những người được nhận hỗ trợ phải đảm bảo điều kiện như nghỉ việc không lương từ 15 ngày trở lên (tính từ 1.5.2021), đang tham gia bảo hiểm bắt buộc trước ngày nghỉ việc. Mức hỗ trợ giải quyết 1 lần với mỗi người từ 1,855 - 3,71 triệu đồng, tuỳ theo thời gian nghỉ. Nếu mang thai thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người", ông Hiệu nói và cho biết, người đủ điều kiện nhận hỗ trợ sẽ nộp hồ sơ đến UBND quận, huyện nơi cư trú để trình UBND TP.Hải Phòng phê duyệt.

Đại diện Sở LĐTB-XH cũng cho biết, những trường, cơ sở mầm non đang duy trì đóng BHXH cho người lao động thì không được hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng, nhưng sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tiền để trả lương theo diện không lãi suất trong vòng 11 tháng.

Tác giả: Lê Tân

Nguồn tin: Báo Thanh niên