Số hóa

Máy tính ế ẩm, đại lý đi kinh doanh smartphone

Admin

Không cưỡng lại được xu thế tất yếu, các nhà bán lẻ máy tính ngày càng gặp khó khi nhu cầu người dùng dần dịch chuyển qua các thiết bị di động.

Cách đây ít ngày, giới kinh doanh và người dùng xôn xao về thông tin Phong Vũ đóng cửa trung tâm bán hàng lớn nhất của mình ở 125 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM.

Nói với báo chí, bà Võ Thị Lộc, Giám đốc Phong Vũ xác nhận thông tin này, đồng thời cho rằng việc dồn về phía cửa hàng nhỏ hơn ở đối diện sẽ hiệu quả hơn, thuận tiện cho việc mở rộng ở nơi khác. Tuy trả lại vị trí đắc địa, Phong Vũ hiện vẫn còn 6 chi nhánh và một trung tâm bảo hành, nằm rải ở các quận khác của TP.HCM và Đồng Nai, Bình Dương. Việc ngừng hoạt động ở trung tâm lớn nhất được cho là để tiết kiệm chi phí.

 Máy tính chưa "chết" ở Việt Nam, nhưng doanh số và doanh thu ngày càng giảm sút vì người dùng ngày càng dùng smartphone, tablet nhiều hơn. 

Trong nhiều năm qua, cửa hàng lớn nhất của Phong Vũ dần mang hình ảnh biểu tượng. Nhắc đến mua máy tính, nhiều người Sài Gòn nghĩ ngay đến việc ra cửa hàng ở giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai và Cách Mạng Tháng Tám. "Nó giống như việc người ta nghĩ mua điện thoại phải vào Thế Giới Di Động hay mua xe máy chọn Honda", Nguyễn Văn Năm - chủ một cửa hàng kinh doanh máy tính trên đường 3 tháng 2 (quận 10, TP.HCM) cho biết.

Không chỉ Phong Vũ, ông Năm cũng là "nạn nhân" của một thị trường máy tính không nhiều biến động nhưng dần giảm sút trong vài năm qua. "Người ta chỉ mua máy tính vài năm một lần, nhiều nhất là mùa khai trường. Còn điện thoại có thể mỗi năm đổi một lần, mùa nào mua cũng được", ông Năm vừa phân tích, vừa nhắc đến việc những cửa hàng máy tính xung quanh mình dần chuyển sang bán điện thoại theo trào lưu.

Câu chuyện thu hẹp quy mô và chuyển đổi của những nhà bán lẻ máy tính phản ánh khá rõ nét thị trường. Theo số liệu từ GfK và các nhà bán lẻ, máy tính để bàn chỉ chiếm bình quân 10% thị phần IT trong nhiều tháng qua, doanh số chỉ bằng 1/2 so với laptop và thậm chí không bằng doanh thu màn hình. Loại máy tính được mua nhiều nhất là máy tính bảng (tablet) với mức dao động từ 35% đến 50% thị phần tuỳ tháng.

 Phần trăm doanh số các mặt hàng CNTT trong tháng 7/2017, theo số liệu từ các nhà bán lẻ. 

So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của toàn ngành thiết bị CNTT (gồm máy tính, laptop, màn hình, máy in, ổ cứng, máy tính bảng...) đều giảm bình quân 2 con số. Chỉ có laptop tăng 9,6% và giá trung bình của máy tính ở Việt Nam cũng tăng lên theo giá linh kiện, chip nhớ. Laptop cũng là hy vọng duy nhất cho các đại lý kinh doanh máy tính ở Việt Nam.

Xét riêng máy tính để bàn, các nhà bán lẻ như Phong Vũ chủ yếu bán ra những model giá từ 6 đến 9 triệu đồng (chưa bao gồm màn hình). Mức giá này ngang với những chiếc smartphone, nhưng yêu cầu người bán máy tính phải sở hữu cửa hàng, nhà kho có diện tích lớn hơn so với một cửa hàng điện thoại, trong khi doanh số và lợi nhuận không bằng và vòng đời sản phẩm cũng dài hơn.

Nói về laptop, đây là mặt hàng duy nhất tăng trưởng trong nhóm các thiết bị công nghệ thông tin vì vẫn còn một lượng lớn người dùng là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng cần đến. Quãng giá sôi động nhất là những model dưới 14 triệu đồng. Laptop trung cấp và cao cấp chỉ chiếm mức thị phần nhỏ vì khá kén người mua. Dell và Asus là hai thương hiệu chiếm lĩnh gần hết 50 vị trí các model laptop bán chạy nhất ở các hệ thống, tiếp đến là các dòng MacBook của Apple và máy tính của HP.

Tuy nhiên, tương tự thị trường điện thoại di động, laptop hàng xách tay cũng được cho là nguyên nhân gây giảm doanh số máy tính ở Việt Nam. Laptop nội địa Nhật giá vài triệu và MacBook xách tay là những mặt hàng bán rất chạy ở các cửa hàng nhỏ lẻ.

Theo ông Trần Khôi Quân, một người kinh doanh máy tính lâu năm tại quận 1 (TP.HCM), thị trường thiết bị CNTT nửa năm đổ lại có phần sôi nổi hơn nhờ cơn sốt "cày" tiền ảo. Nhiều người bỏ tiền đầu tư những dàn "trâu cày" trị giá hàng chục triệu đồng, khiến giá card đồ hoạ VGA có lúc nhảy múa.

Tuy nhiên, cơn sốt này chỉ mang lại doanh thu cho cửa hàng nhỏ lẻ, vốn nhập linh kiện từ nhiều nguồn hoặc "xách tay" với mức giá có phần tốt hơn các chuỗi lớn, chứ không đóng góp vào con số thống kê thị trường chính ngạch.