Nhân ái

Mẹ nghèo xin hiến thận cứu con gái bị suy thận mãn

Admin

Để kéo dài sự sống cho con gái, người mẹ nghèo xin hiến thận cứu con. Song, bác sĩ không đồng ý vì tuổi tác người mẹ đã cao chức năng thận lọc bước sang giai đoạn yếu. Trong khi, chi phí 1 ca ghép thận rất tốn kém vượt khả năng của vợ chồng nghèo.

Đó hoàn cảnh đáng thương của cô sinh viên vừa tốt nghiệp Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh, em Phan Thị Thu Thảo (25 tuổi, ở thôn Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).

Bất lực nhìn con gái “héo hon” vì bệnh

Phan Thị Thu Thảo là con đầu trong gia đình 3 chị em gái. Quán nhỏ bán đồ ăn sáng của cha mẹ ở quê giúp cuộc sống gia đình không đến nỗi quá chật vật, nhưng số phận nghiệt ngã bất ngờ ập đến với em Thảo và gia đình.

Theo cha mẹ Thảo, ông Phan Văn Thành (53 tuổi) và vợ là Lê Thị Hồng Hạnh (49 tuổi) cho biết đầu năm 2014, khi Thảo đang là sinh viên năm thứ 3 khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh) thì Thảo có biểu hiện cơ thể mệt mỏi, hay ngất xỉu, người bị phù nề. Gia đình đưa Thảo đi bệnh viện khám mới biết em bị suy thận mãn tính.

 Giấc mơ tốt nghiệp đại học ra trường để giúp đỡ cha mẹ ở quê và 2 đứa em gái ăn học giờ với Thảo thật xa vời vì bệnh suy thận mãn.

“Ngày đó, cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay vợ chồng tôi như ngã quỵ vì không thể tin con bé lại bị bệnh nặng đến vậy. Vợ chồng cố trấn an tình thần, động viên con gái yên tâm học tập và chữa bệnh. Vợ chồng đành đóng cửa quán bán ăn sáng ở quê rồi vào TP. Hồ Chí Minh thuê nhà trọ để tiện chăm sóc cho con. Ngày mới vào, lúc thì tôi đi bán vé số, lúc xin đi rửa chén cho quán cơm, quán bún kiếm tiền mua thuốc tạo máu, đạm bổ sung cho con chạy thận và học tập ”, bà Hạnh ngậm ngùi.

Căn bệnh hiểm nghèo mà nhiều người hay gọi “bệnh nhà giàu” đã khiến gia đình em dần lâm vào khánh kiệt, nợ nần. Theo gia đình, hiện Thảo phải chạy thận đều đặn 3 lần/tuần. Mỗi tháng chỉ riêng tiền chạy thận, thuốc uống đã tốn 5-6 triệu đồng, chưa kể tiền ăn uống, thuê nhà trọ ở TP. Hồ Chí Minh. Suốt 4 năm qua, gia đình bà Hạnh cứ mãi trong vòng luẩn quẩn lo tiền để chạy chữa cho Thảo. Số tiền vay ngân hàng (tiền vay sinh viên và vay hộ nghèo) gần cả 100 triệu đồng để chữa bệnh cho Thảo, rồi vay mượn anh em dòng họ nhưng giờ không biết xoay xở đâu để trả nợ. Trong khi đó, bác sĩ cho biết để duy trì sự sống, ngoài việc chạy thận đều đặn, Thảo cần phải được thay hoặc ghép thận.

 Bất lực nhìn con gái "héo mòn" từng ngày, gia đình em đành phải viết thư cầu cứu gửi báo Dân trí.


“Thảo còn trẻ, tương lai còn ở phía trước nên thương con tôi gặp bác sĩ xin hiến thận để ghép cho con. Nhưng bác sĩ không đồng ý vì tuổi tác tôi đã gần 50 tuổi, chức năng thận lọc bước sang đoạn suy yếu, chưa kể chi phí ghép thận quá lớn. Hai vợ chồng đã tính đến chuyện bán nhà để ghép thận cho con nhưng khổ nỗi ngôi nhà không có sổ đỏ nên bán cũng chẳng được mấy đồng”, bà Hạnh nghẹn ngào.

Còn ông Thành (chồng bà Hạnh) thì bất lực: “Ngày trước, lúc Thảo chưa bị bệnh, vợ chồng mở quán bún bình dân bán buổi sáng, dù không dư giả nhưng bóp bụng cũng tạm lo cho 3 đứa con ăn học. Từ ngày, Thảo bệnh phải chạy thận liên tục đành phải nghỉ bán, vợ tôi phải vào Sài Gòn đi bán vé số để lo cho con bé, còn tôi sức khỏe không cho phép làm việc nặng. Giờ ở quê, ai đặt làm ba cái lồng gà thì làm, kiếm ngày bảy chục một trăm. Giờ hai vợ chồng làm không đủ tiền lo chữa bệnh cho Thảo và 1 đứa đang học đại học Quy Nhơn. Bệnh tình Thảo thì ngày một nặng, bệnh này có tiền thì duy trì lâu thêm, còn không có tiền thì…”.

Chiến đấu với bệnh vì giấc mơ

Đang học năm thứ 3, Thảo phát hiện bị bệnh năng, khi biết mình bị suy thận mãn tính, Thảo rất sốc. Nhưng em đủ lớn để hiểu căn bệnh mà em đang mắc nếu không có tiền thì sự sống chẳng thể kéo dài. Đó là lý do khiến Thảo rụt rè không muốn tiếp xúc với chúng tôi. Ánh mắt Thảo đã nói lên cho tôi thấy sự mặc cảm, tự ti về căn bệnh mà em đang từng ngày gánh chịu. Cũng dễ thông cảm cho Thảo, bởi một cô gái hiền hậu vừa tốt nghiệp ra trường, tương lai ở phía trước nhưng đang từng ngày héo mòn vì bệnh hiểm nghèo.

 Thảo mặc cảm, tự ti khi tiếp chuyện với phóng viên.


Phải rất lâu, Thảo mới mở lòng kể về mình và cả những ước mơ mà em đang ấp ủ. Chẳng biết từ lúc nào, Thảo lại kể say sưa như vậy. Để khi nói về bệnh tình của mình, Thảo như trở thành một bác sĩ tự động viên cho chính bản thân mình. Bởi, Thảo tỏ ra rất am hiểu về bệnh suy thận mãn đang hành hạ em mỗi ngày.

Nhìn vào những vết tích nổi u, nổi cục trên cánh tay gầy guộc sau nhiều lần chạy thận, Thảo nói: “Mũi này để đặt đường ống lấy máu ra để lọc sạch chất độc. Quá trình lọc chất độc cũng lọc chất dinh dưỡng và bổ sung chất đạm, chất tạo máu rồi đưa trở lại cơ thể vào đường ống thứ 2”.

Trò chuyện với Thảo, em thầm mong ước khi ra trường sẽ tìm kiếm một công việc ổn định để cùng cha mẹ ở quê lo cho hai đứa em đang ăn học. “Ai dè em mắc bệnh nặng! Lúc đó, ba mẹ động viên em thôi đã lỡ học đến năm 3 rồi, ráng học cho xong nên em cũng ráng theo học. Lẽ ra, năm 2015 em ra trường, nhưng vì bệnh tình thường xuyên phải nghỉ học để chạy thận. Đến năm 2016 em mới tốt nghiệp. Khi em bị bệnh, thầy cô, các bạn trong trường cũng tạo điều kiện giúp đỡ cả vật chất và tinh thần để em hoàn thành ước mơ đại học”, Thảo bùi ngùi.

 Thảo chiến đấu với bệnh cố gắng hoàn thành đại học, nhưng giờ em đang đối diện với bệnh suy thận mãn ngày càng nặng.


Khi hỏi về ước mơ, Thảo cuối mặt xuống, lặng im một hồi rồi nghẹn nói: “Em cũng muốn kiếm công việc gì để làm để phụ giúp mẹ, nhưng mỗi khi chạy thận về nhà em lại nằm bẹp dí một chỗ. Người em mệt lắm, không còn chút sức lực. Nhìn em như vậy thôi, nhưng ngất xỉu lúc nào không hay, nhiều khi cứ như người giả đò. Bây giờ, hai mẹ con ở Sài Gòn để chữa bệnh, mọi chi phí rất đắt đỏ. Ngoài lo tiền chạy thận, còn tiền nhà trọ, tiền ăn, chưa nói ở quê còn 2 đứa em học đại học. Thương cha mẹ cực khổ vì em, nhưng em chẳng giúp được gì. Khổ vậy nhưng mẹ cứ động viên em, thôi hai mẹ con cùng cố gắng vừa làm rồi xin người này người kia để lo cho em”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

 Mã số 3003: Bà Lê Thị Hồng Hạnh, thôn Kiều An, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Điện thoại: 0972344019