|
Các mẹ hiến kế "điều trị" bé ương bướng, khó bảo giúp em với. Con trai em 6 tuổi, đang học lớp 1. Từ bậc học mầm non đến tiểu học con đều được các cô giáo nhận xét là thông minh nhưng hiếu thắng và đôi khi hay mắc lỗi về kỷ luật.
Em cũng biết tính con, không dễ bảo, ít khi nói một câu là nghe ngay, những lỗi con đã mắc dù đã bị trách phạt rồi thì sẽ vẫn còn mắc lại.
Con thường không nghe lời người lớn hoặc làm ngược lại mệnh lệnh, yêu cầu của người lớn bất kể yêu cầu đó đúng hay sai. Con hay cãi lại, thích nói lý, thích lập luận. Các lập luận của con có thể đúng, có thể sai, nhưng kể cả khi biết mình sai con vẫn tiếp tục cãi bằng được và không bao giờ thừa nhận mình sai cả. Nếu bị mắng gay gắt về chuyện này con sẽ khóc ấm ức như mình bị "oan" lắm.
Em cứ nghĩ mãi không biết mình sai ở đâu trong việc giáo dục con. Gia đình em thuộc tuýp cha mẹ có để tâm lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con cái. Em cho rằng trẻ con có chính kiến của chúng, chúng sẽ hạnh phúc hơn nếu chính kiến đó được cha mẹ lắng nghe và ghi nhận. Nhưng trường hợp của con em có lẽ đã hơi quá, vì con càng ngày càng hay cãi người lớn và không chịu thừa nhận mình sai.
Mấy hôm trước cũng vì con liên tiếp "nói tay đôi" với bố mẹ bất chấp các cảnh báo đủ cấp độ:
1. Hạ giọng, yêu cầu con không cãi nữa,
2. Đưa ra viễn cảnh nếu tiếp tục cãi cùn con sẽ nhận hình phạt,
mà em đã phải nổi giận mất bình tĩnh, đét đít và phạt con. Em yêu cầu con ra ngoài phòng khách úp mặt vào tường để suy nghĩ về hành động của mình, nếu chưa nhận ra mình sai ở đâu để xin lỗi bố mẹ thì không được vào phòng đi ngủ.
Vì sợ phòng tối nên con khóc toáng lên nói "con xin lỗi bố mẹ" ngay lập tức. Nhưng ngay cả như vậy em vẫn thấy phải nổi giận để đàn áp một đứa trẻ là mình bất lực rồi.
Có bố mẹ nào có con như con em không ạ? Cho em xin chút kinh nghiệm xử lý bé trong trường hợp này, làm sao để con thay đổi hành vi.
Em không mong muốn đào tạo ra một đứa trẻ bảo sao nghe vậy, nhưng mong con biết rằng luôn có những giới hạn trong ứng xử với người lớn và phải biết chấp nhận mình có lúc sai, phải biết lắng nghe người khác.