Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà là vị trưởng ngành thứ 2 lên "ghế nóng" với phiên chất vấn từ 15 giờ chiều 4-6.
Bất an với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL
Đại biểu (ĐB) Lê Công Đỉnh (Long An) chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển, đặc biệt là vùng ĐBSCL. "Cử tri rất bất an và lo lắng về vấn đề này" - ông Đỉnh bày tỏ và đề nghị cho biết thêm về tình hình huy động các nguồn lực, đặc biệt là vốn quốc tế, để hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Hà, nguyên nhân gây xói lở bờ sông là do 60% lượng cát và phù sa bị giữ lại ở thượng nguồn qua các hồ đập thủy điện. Cần đấu tranh để đưa phù sa về dưới hạ nguồn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do "cát tặc" lộng hành và quy hoạch về giao thông, thủy lợi chưa ổn. "Chúng tôi sẽ sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về kiểm soát khai thác cát bờ sông, xác định rõ trách nhiệm của UBND các cấp. Ngoài ra, có một quy hoạch tổng thể để đánh giá các công trình tác động thế nào đến dòng chảy" - tư lệnh ngành TN-MT nêu thêm giải pháp.
Bộ trưởng Bộ TN-MT thừa nhận tầm nhìn còn hạn chế trong vấn đề quản lý đất đaiẢnh: Nguyễn Nam |
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu tình trạng ô nhiễm bụi rất nghiêm trọng, nhất là tại các TP lớn. "Theo bản tin hằng ngày, cứ 10 ngày thì 9 ngày người dân Hà Nội phải hít thở không khí có bụi cao quá mức cho phép. Bộ trưởng có giải pháp gì ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này?" - ĐB Trí đặt vấn đề.
Bộ trưởng Hà cho hay ông không đồng tình với các số liệu công bố được ĐB dẫn ra. "Số liệu từ một trạm quan trắc của một tổ chức, phản ánh mang tính cục bộ. Còn các trạm quan trắc mà Bộ TN-MT, Hà Nội và TP HCM đang có thì chưa phản ánh tình trạng nghiêm trọng như vậy. Tất nhiên, chúng ta phải thừa nhận ô nhiễm môi trường không khí ở các khu đô thị lớn, đô thị tập trung, đặc biệt liên quan đến giao thông, xây dựng... là rất lớn. Nguồn từ hoạt động giao thông là có" - bộ trưởng khẳng định.
Sốt đất là đương nhiên!?
Đánh giá việc quản lý đất đai luôn là vấn đề khó, nhạy cảm, ĐB Nguyễn Anh Trí bày tỏ mối quan tâm đến thị trường đất đai tại các địa phương, dự kiến hình thành đặc khu như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đang hết sức sôi động, diễn biến phức tạp, gây bức xúc lớn cho xã hội. "Bộ trưởng có biết chuyện đó không? Chính phủ, Bộ TN-MT, địa phương đã giải quyết thế nào, đã thực sự yên tâm chưa?" - ĐB Hà Nội đặt câu hỏi.
Chất vấn này của ĐB Trí trong lần đặt câu hỏi đầu tiên đã không được trưởng ngành TN-MT trả lời. Trong phần tranh luận, ĐB Trí nhắc Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Về thị trường đất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang sôi động, tôi chưa thấy được trả lời".
Bộ trưởng Bộ TN-MT thừa nhận trong vấn đề quản lý đất đai, tầm nhìn của chúng ta còn hạn chế. "Quy luật khi đầu tư là có những kỳ vọng hoặc tương lai phát triển… thì đương nhiên sẽ đổ xô vào đấy. Chúng ta biết nhưng chưa làm được việc phòng ngừa mà lại thay bằng biện pháp hành chính" - Bộ trưởng nhìn nhận.
Dẫn chứng ngay cả dự án sân bay Long Thành, dù đã có biện pháp phòng ngừa từ cách đây 5 năm nhưng người dân vẫn có nhiều cách để giao dịch ngầm, như ủy quyền cho người mua... Bộ trưởng cho rằng việc đưa ra các chỉ thị "đóng băng" đất ở những địa phương có đặc khu là "không phù hợp với pháp luật".
"Thực tế, sốt đất là đương nhiên nhưng vấn đề nghiêm trọng là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép. Địa phương tại các đặc khu phải tập trung xem hồ sơ đất đai để quản lý hiện trạng trước khi thực hiện đền bù. Như vậy, sẽ bảo đảm người dân, người đến khai hoang xứng đáng được hưởng, còn người đầu cơ không được hưởng" - vị trưởng ngành nói.
Trước bức xúc của ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) về tình hình khiếu kiện đất đai chiếm đến hơn 70% các vụ khiếu kiện, gây mất trật tự an toàn, an ninh xã hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận: "Đây cũng là nguyên nhân tại sao tôi cần phải đứng trước QH để trả lời chất vấn".
Bộ trưởng cho rằng phải xem xét lại luật pháp về khiếu nại, tố cáo và các nguyên nhân khiếu nại. Trong đó, lưu ý vấn đề quyền lợi xung quanh các dự án đầu tư, cần có phương pháp tính giá hợp lý, bảo đảm hạ tầng, công tác tái định cư đồng bộ…
Trả lời cho câu hỏi về việc thất thoát trong dự án đổi đất lấy hạ tầng, chuyển quyền sử dụng đất với doanh nghiệp cổ phần hóa, vị trưởng ngành thừa nhận khi chưa có các nghị định về quản lý lĩnh vực này, việc sử dụng đất đai ở các doanh nghiệp còn buông lỏng, tùy tiện, có chuyện lợi dụng "đất vàng". Cần làm tốt khâu thẩm định giá khi chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm bảo đảm "giá đất thực sự là giá thị trường", "là giá phải thật chứ không phải giá ảo như hiện nay".
Phần trả lời của Bộ trưởng Hà sẽ được tiếp tục vào sáng nay, 5-6, với hàng loạt câu hỏi chờ trả lời, như: việc sử dụng lãng phí nguồn vốn ODA cho công tác môi trường, bài học từ sự cố môi trường Formosa…