Tin địa phương

Một hiệu trưởng tại Hải Phòng bị tố lạm thu: Hội cha mẹ học sinh ở đâu?

Admin

Như Báo Đại Đoàn Kết đưa tin, UBND quận Lê Chân đã chuyển vụ việc Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền (Hải Phòng) có dấu hiệu tham nhũng trong thu chi, quản lý tài chính cho cơ quan công an. Điều đáng nói, trong vụ việc này, Ban đại diện (BĐD) cha mẹ học sinh nhà trường còn có dấu hiệu không thực hiện trách nhiệm phối hợp trong giải quyết tố cáo.

 Trường THCS Ngô Quyền, nơi Hiệu trưởng bị tố cáo lạm thu.

Bất cập trong thu chi Quỹ cha mẹ học sinh

Theo giải trình từ bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân, TP Hải Phòng), các khoản thu theo thỏa thuận về kinh phí hoạt động của BĐD cha mẹ học sinh được thu theo quy định tại Thông tư 55/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong đó, kinh phí hoạt động BĐD cha mẹ học sinh lớp do sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh các lớp và nguồn tài trợ hợp pháp; kinh phí hoạt động của BĐD cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của BĐD cha mẹ học sinh các lớp theo Nghị quyết hội nghị BĐD cha mẹ học sinh trường vào đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Trong văn bản này, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền không nói rõ khoản thu tự nguyện này được quy định cụ thể bao nhiêu tiền/học sinh/năm. Tuy nhiên, theo kiểm tra, xác định của Thanh tra UBND quận Lê Chân, mặc dù mới có 34 trong tổng số 50 giáo viên chủ nhiệm các lớp của nhà trường hợp tác với đoàn kiểm tra, các giáo viên chủ nhiệm của 34 lớp đã thu 400.000 đồng/học sinh/năm học. Số tiền này được chia làm hai kỳ. Sau khi thu, các thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp nộp về thủ quỹ nhà trường.

Đoàn kiểm tra đối chiếu sổ sách kế toán nhà trường và xác nhận từ 34 giáo viên chủ nhiệm, đã có 436 triệu đồng từ khoản thu này nộp về thủ quỹ nhà trường nhưng nhà trường không báo cáo, giải trình được khoản thu này.

Đặc biệt, theo quy định tại các điều 10, 11 thông tư 55/2011, kinh phí thu quỹ cha mẹ học sinh dùng cho các hoạt động hỗ trợ giáo dục. Thông tư cấm không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học, cấm thu tiền không theo nguyên tắc tự nguyện, không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của BĐD cha mẹ học sinh; không được chi cho sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Đoàn kiểm tra, trong số tiền này, BĐD cha mẹ học sinh nhà trường đã dùng hơn 112 triệu đồng lắp điều hòa, bảo dưỡng điều hòa, hỗ trợ tiền điện cho hoạt động của nhà trường. Điều đáng nói, từ tháng 8/2020, BĐD cha mẹ học sinh nhà trường ký cung cấp lắp đặt điều hòa.

Thế nhưng, đầu năm 2021, dãy phòng học dự kiến lắp điều hòa vẫn chưa được xây dựng xong. Tháng 4/2021, khi Đoàn kiểm tra tiếp tục xác minh, hiệu trưởng mới báo cáo đã lắp điều hòa. Theo đánh giá của UBND quận Lê Chân “đây là việc làm không trung thực, hợp thức hóa hiện vật cho hành vi lập chứng từ mua 5 máy điều hòa”.

Đối với hạng mục sửa chữa điều hòa được BĐD cha mẹ học sinh, hiệu trưởng “kê” vào khoản chi từ quỹ cha mẹ học sinh, nhiều giáo viên chủ nhiệm các lớp cung cấp thông tin “việc sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa là do lớp tự làm, không sử dụng kinh phí của nhà trường”. Theo xác định của Đoàn kiểm tra, số tiền này (hơn 40 triệu đồng) không được theo dõi trong sổ kế toán chi tiết của Nhà trường.

Biến tướng

Theo Luật sư Nguyễn Hữu Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội), chiểu theo quy định Thông tư 55/2011, Nhà trường và BĐD cha mẹ học sinh cần hoạt động trên nguyên tắc minh bạch, công khai; các khoản thu không bắt buộc phải được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Để xảy ra việc lạm thu là có lỗi của nhà trường và phụ huynh, nếu cha mẹ học sinh không đồng ý, không nhà trường nào dám thu. Những loại tiền như tiền điện, tiền bảo dưỡng điều hòa,... phụ huynh không có nghĩa vụ phải đóng, nếu nhà trường hay BĐD cha mẹ học sinh thu tức là lạm thu.

Chị Nguyễn Thị P., một giáo viên trên địa bàn Hải Phòng nêu, cơ sở vật chất, thiết bị nhà trường được ngân sách trang bị. Nếu thu theo kiểu “tự nguyện” do các trường, các BĐD cha mẹ học sinh tự đề ra, thực chất là bắt buộc thì khoản tiền này trở thành mờ ám.

Trong một số trường hợp, để Ban giám hiệu không chịu trách nhiệm về việc lạm thu, Ban giám hiệu nhà trường thường đẩy việc thu này cho BĐD cha mẹ học sinh. Theo đó, nhà trường muốn thu thêm “phí” gì cứ nói với vị đại diện cha mẹ học sinh là xong.

Không ít người cho rằng, việc lạm thu tại một số trường do có sự “biến tướng” từ BĐD cha mẹ học sinh. Có những nơi, những trường, BĐD cha mẹ học sinh “cùng hội, cùng thuyền” với Ban Giám hiệu nhà trường, có dấu hiệu đứng ra thu hộ một số khoản xã hội hóa cho nhà trường. Đến khi bị phanh phui việc lạm thu, đại diện nhà trường lại đem hội phụ huynh học sinh ra làm “lá chắn” với lý do thu tự nguyện...

Tác giả: NGỌC ANH

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết