Cuộc sống

Mưa lớn nhà ngập nước, xử lý điện trong nhà thế nào cho khỏi nguy hiểm?

Admin

Bên cạnh việc nước dâng lên lụt lội gây bất tiện sinh hoạt thì người dân cũng đặc biệt lưu ý đến tình trạng điện thế trong nhà. Nếu không cẩn thận có thể gây nên tình trạng phóng điện, rò điện mùa mưa rất nguy hiểm.

Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục có mưa giông lớn, đây cũng là thời điểm mùa mưa bão dần xuất hiện ở miền Bắc. Những cơn mưa dai dẳng kéo dài thường khiến nước dâng lên gây lụt lội ở nhiều tuyến phố, thậm chí là tràn vào nhà dân ở các khu vực trũng thấp như Văn Phú, Long Biên... Bên cạnh việc nước dâng lên lụt lội gây bất tiện sinh hoạt thì người dân cũng đặc biệt lưu ý đến tình trạng điện thế trong nhà. Nếu không cẩn thận có thể gây nên tình trạng phóng điện, rò điện mùa mưa rất nguy hiểm.

Trao đổi với phóng viên, anh Trường An - kỹ sư điện Công ty CP Điện VB (Hà Nội) chia sẻ, vào mùa mưa bão thường dễ gây tình trạng rò điện, chập điện vì không khí ẩm ướt, độ ẩm cao, nước mưa dễ ngấm vào tường làm hỏng các đường điện âm. Nguy hiểm nhất là khi nước tràn vào nhà, ngấm vào các ổ điện gần sàn nhà hay các ổ điện di động có thể gây rò điện, phóng điện nguy hiểm đến tính mạng.

Nước tràn vào nhà do mưa lớn có thể gây nhiều nguy hiểm về đường điện

"Người dân thường có thói quen làm các ổ cắm điện dưới thấp để tiện cho việc sử dụng, hoặc nối thêm nhiều ổ dây điện để kéo rộng không gian sử dụng, những ổ điện này cũng thường đặt dưới nền nhà, nền thảm. Khi trời mưa lớn khiến nước tràn vào nhà, làm ướt các ổ điện và không gian xung quanh thì có thể gây nên tình trạng chập cháy, thậm chí là rò điện từ ổ. Người dân đi lại xung quanh nếu không biết sẽ bị điện giật qua nước dẫn đến bất tỉnh, thậm chí là tử vong" - anh An cho hay.

Vị này cũng cho biết, tình trạng rò điện rất dễ xảy ra ở những căn nhà thành phố có tuổi đời từ 15 - 20 năm trở lên. Những căn nhà này được xây kiên cố, nhưng do vị trí các căn nhà phố thường nằm sát nhau dẫn đến tình trạng ẩm tường khi trời mưa. "Khi đến mùa mưa, nước mưa chảy xuống các khe tường trong thời gian lâu dài sẽ khiến tường thấm nước ẩm ướt. Những mặt tường này không có ánh nắng chiếu vào nên không thể khô được, sau nhiều năm sẽ thấm ướt dần đến vào lớp tường có điện âm. Không kể đến nguy cơ đường điện âm bị rò rỉ, ở ngay những vị trí như ổ điện trên tường cũng có khả năng rò điện nếu mảnh tường xung quanh quá ẩm ướt".

 Những ngôi nhà xây lâu năm cần xem xét, kiểm tra lại các đường điện khi mưa lớn

Kỹ sư điện cho biết, người dân nên đặc biệt chú ý đến những ổ cắm, phích cắm điện âm tường vì rất dễ nhiễm ẩm, nếu thời tiết mưa lớn kéo dài cần sử dụng cẩn thận, chú ý quan sát, kiểm tra để giảm thiểu rủi ro rò điện. Những dây điện âm đi trong tường phải có ống gen bảo vệ cách điện, tránh tiếp xúc trực tiếp với tường nhà.

"Khi thấy mưa lớn kéo dài, có dấu hiệu nước tràn vào nhà thì phải rút ngay phích cắm các thiết bị sử dụng điện, có khả năng truyền điện nằm ở mặt đất. Nếu có tình trạng nước dâng lên đến các ổ điện cố định gần sàn thì thì phải ngắt cầu dao điện tổng, đảm bảo không xảy ra tình trạng nước tràn vào các ổ điện gây chập cháy, nguy hiểm".

Kỹ sư An cũng khuyên người dân không nên vội vã bật lại cầu dao tổng, cắm lại điện để sử dụng ngay sau khi tạnh mưa. Cần phải kiểm tra lại các mấu nối, đường dây, ổ điện thật kỹ. Những nơi nhiễm nước cần phải sấy khô sạch sẽ, an toàn mới được sử dụng lại bình thường.