Các cụ ở Trung tâm Thiên Đức tham gia ngày Lễ Vu Lan của Trung tâm. Ảnh: T.G |
Dù vui vẫn mong được ở bên con
Trong mùa Vu Lan nhưng không khí tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 (xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội) khá tĩnh lặng. Cuộc sống chậm chạp trôi đi bởi phần đông các cụ vào Trung tâm là những người tàn tật, sống đơn thân. Cũng có không ít cụ còn người thân, con cháu nhưng vẫn vào đây sống những ngày tháng cuối đời bởi thiếu tình thương và sự quan tâm của gia đình. Các cụ đều có chung một điểm là sự cô đơn và số phận đã đưa đẩy họ vào đây.
Khi chúng tôi đến bỗng có cụ ông nhìn tôi mà khóc. Cụ cứ níu tay tôi ngồi xuống để có người trò chuyện. Đó là cụ Nguyễn Văn Thuận. Cụ bảo: “Nhìn con mà ông lại nhớ con mình. Ước nguyện cuối đời ông chỉ mong được một lần ngồi bên bữa cơm gia đình có đầy đủ con, cháu. Mùa Vu Lan đã về chưa thấy con vào thăm nhớ lắm”.
Theo tâm sự của cụ, vợ mất sớm một mình cụ phải nuôi con trai. Dù ở cùng nhưng cụ vẫn phải ăn một mình vì các con đi làm thất thường, sáng đi sớm, tối mới về. Nhiều khi đau ốm cũng chẳng có người ở bên nên cụ mới phải vào Trung tâm. “Ở đây ai cũng có nỗi khổ riêng nhưng may mắn vì còn có nơi ăn chốn ở, có người lo cơm nước khi ốm đau bệnh tật. Mỗi dịp lễ, Tết hay Vu Lan đều được Trung tâm tổ chức các hoạt động, các đoàn từ thiện vào tặng quà… cũng đỡ chạnh lòng”, cụ Thuận cho hay.
Khác với Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, tại Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức đa phần các cụ vào đều là hình thức tự nguyện dù có con cháu đề huề. Dù vậy nhắc đến chuyện được sum vầy cùng con cháu trong mùa Vu Lan này, các cụ cũng không giấu được nỗi niềm.
Có hai người con trai đang định cư nước ngoài, vợ chồng bà Phan Thị H (ở Hà Nội) nhiều năm nay vào sống trong Trung tâm. Mùa Vu Lan đến, dù nhớ con da diết nhưng không thể gặp, bà đành phải cất nỗi nhớ chảy ngược vào trong. Bà tâm sự: “Nói gì thì nói, mùa Vu Lan được sum họp bên con cháu ăn một bữa cơm, dâng nén hương cho tổ tiên ai chẳng mong muốn. Giờ con cái ở xa nên không thể vào thăm, nhưng các cháu vẫn gọi điện về hỏi han sức khỏe của bố mẹ cũng quý rồi. Người làm cha, làm mẹ cũng chỉ mong thấy con mình thành người, sống hạnh phúc, vui vẻ đã là cách báo hiếu lớn nhất chứ chẳng phải cứ ở cạnh là có hiếu đâu cô ạ”.
Cùng chung cảnh với vợ chồng bà H, cụ ông Bùi Thế Năng năm nay đã ngoài 80 tuổi xin vào Trung tâm sống những ngày cuối đời dù nhà chỉ cách Trung tâm hơn 10km. Nhiều năm nay cuộc sống gắn liền với xe lăn. Hai cô con gái của cụ đều có công việc và gia đình riêng, chẳng thể ở nhà cả ngày để chăm sóc cụ được.
Khi được hỏi về chuyện sum họp với con cháu ngày Vu Lan, dù nhớ con cháu nhưng cụ không muốn các con phải thường xuyên đến thăm mình. Đơn giản chỉ vì cụ thương và lo lắng cho công việc hàng ngày của các con. Cụ bảo: “Ở đây tôi thấy ổn rồi, ngoài việc được chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, chúng tôi còn được điều trị các bệnh mãn tính nên rất yên tâm. Đặc biệt vào đây chúng tôi có rất nhiều bạn, chuyện trò rôm rả suốt ngày. Các cô chú ở Trung tâm còn tổ chức lễ Vu Lan chứ về lại thêm khổ, vất vả cho con cháu. Thi thoảng con cháu đến thăm là hạnh phúc lắm rồi chứ nhiều cụ khác ở đây đáng thương lắm vì ngày thường cũng chẳng bao giờ thấy có ai đến thăm nom”.
Nhiều hoạt động vơi đi nỗi nhớ
Theo ông Bùi Tiến Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 cho biết, Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 trực thuộc Sở LĐTB&XH, các trường hợp vào đây đều có quyết định của Sở. Đa phần các cụ đều được xếp vào đối tượng “cô đơn đặc biệt” với tiêu chí “4 không”: Không nhà cửa, không chồng, không con, không nơi nương tựa. Một số cụ có con cái nhưng nhà chật chội, không hợp với con cái hoặc không muốn phụ thuộc vào con… nên nguyện vọng vào theo diện tự nguyện. Số lượng các cụ đăng ký tự nguyện vào Trung tâm là rất ít. Nhưng có một số cụ vào lại đòi ra vì nhớ con cháu ở nhà.
Hiện nay Trung tâm có hơn 90 cụ. Số ít khỏe mạnh còn đa phần đều đã lẫn, bị liệt hoặc bị các bệnh mãn tính. Mặc dù không có sự chăm sóc, quan tâm của người thân nhưng các cụ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 không đơn độc. Sống ở nơi đây, các cụ được chăm sóc quan tâm nâng niu từng bữa ăn, giấc ngủ của đội ngũ nhân viên hộ lý. Lúc các cụ ốm đau hay khi khuất núi, những cán bộ nhân viên ở đây không chỉ làm bằng bổn phận mà làm với tình thương như chăm sóc chính cha mẹ ruột của mình.
Vào những ngày Vu Lan, Trung tâm cũng tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức cầu siêu cho các cụ đã mất. Ngoài ra, để các cụ vơi đi nỗi nhớ con cái năm nào vào ngày này Trung tâm cũng tổ chức một số hoạt động văn hóa văn nghệ và làm bữa cơm thân mật cho các cụ. Dịp này một số đơn vị cũng vào tặng quà, thăm hỏi, trò chuyện với các cụ.
Tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức, những ngày này cũng tổ chức nhiều hoạt động để các cụ có một ngày lễ Vu Lan trọn vẹn. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Các cụ sống ở đây, đời sống tinh thần luôn được quan tâm. Ngày lễ Vu Lan không chỉ nhắc nhở con cháu đối với việc báo hiếu ông bà, cha mẹ mà còn hướng về cội nguồn để tỏ lòng thành biết ơn và báo ơn. Chính bởi thế, mong muốn cho các cụ có một không gian đầm ấm nên mới đây, Trung tâm đã tổ chức lễ Vu Lan cho các cụ. Buổi lễ Vu Lan tại Trung tâm cũng có đầy đủ các nghi thức như ở chùa cho các cụ cảm thấy vui vẻ, an tâm như ở nhà mình. Trung tâm có lập đàn lễ mời các nhà sư tụng kinh. Các cụ ở Trung tâm được tham gia sắp lễ, cầu kinh, cầu nguyện và thực hiện phóng sinh như thả chim, thả ốc...”.