Xã hội

Mưu sinh trên sông Bùng

Lợi Trần

Con sông Bùng đã gắn bó với người dân Diễn Châu từ hàng ngàn năm nay, trữ lượng nước của sông Bùng không chỉ đủ tưới cho gần 5000 hecta hoa màu, mà còn góp phần giúp hàng trăm hộ dân sống hai bên bờ sông có thêm nghề nuôi trồng thủy sản, làm muối. Không những thế, hiện nay đang có rất nhiều hộ dân mưu sinh bằng nghề chài lưới, đánh bắt trên sông Bùng.

Làng Tân Thủy, xã Diễn Nguyên, có 40/45 hộ chuyên mưu sinh trên sông Bùng bằng nghề đánh bắt thủy, hải sản. Để làm nghề, mỗi hộ dân bỏ ra từ 30- 40 triệu đồng đóng một con thuyền nhỏ, mua thêm vài tay lưới như: lưới bông, chài, câu, nò….
 

Nhiều người vẫn bám sông Bùng để mưu sinh mỗi ngày


Công việc thả lưới trên sông, đòi hỏi phải có sự khéo léo từ công đoạn chọn địa điểm thả lưới, cách đặt lưới làm sao để những tay lưới căng đều, để có thể đánh bắt được nhiều tôm cá. Và từ lâu, nghề chài lưới đã trở thành nghề cha truyền con nối của  nhiều hộ dân sống hai bên bờ sông Bùng.  

Anh Nguyễn Viết Ân- Xóm Tân Thủy xã Diễn Nguyên, Diễn Châu tâm sự: Gia đình làm nghề này là truyền thống rồi đấy, từ đời cha đến đời con truyền nối lâu dừ và gọi là một nghề chính rồi đấy.

Công việc mưu sinh trên sông Bùng của các hộ dân làng chài, thường bắt đầu từ 4-5 giờ chiều. Các gia đình chèo thuyền đi thả lưới, và đến 4 giờ sáng họ lại thức dậy chèo thuyền đi tuồn lưới về để thu gom sản phẩm. Mỗi ngày, mỗi thuyền có thể đánh bắt được từ 2- 5 kg thủy sản tùy vào số lượng lưới nhiều hay ít.

 

Nguồn lợi từ sông Bùng đã giúp nhiều hộ dân Diễn Châu đủ cái ăn cái mặc


Không chỉ làng Tân Thủy, mà hiện nay còn có hàng trăm hộ dân của 7 xã như: Diễn Hoa, Diễn Quảng, Diễn Nguyên, Diễn Kỷ, Diễn Vạn… đang sinh sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản từ sông Bùng. Bằng nhiều nghề như: Bắt cua giống trong rừng sú vẹt; lặn mò ngao, hến; nuôi trồng thủy sản mặn lợ…

Ông Phạm Xuân Hoàng- xóm trưởng xóm Tân Thủy- xã Diễn Nguyên, Diễn Châu nói:  Cuộc sống mưu sinh trên sông Bùng đã giúp bà con ổn định cuộc sống và ảnh hưởng của văn hóa sông Bùng thì người dân ở dọc sông Bùng rất yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Không chỉ là một trong 8 cảnh đẹp của xứ Đông Thành xưa, là nơi cung cấp nước tưới cho gần 5000.hecsta đất sản xuất mà sông Bùng còn giúp hàng trăm hộ dân chài có cuộc sống ổn định. Những nghề mưu sinh của người dân trên sông Bùng, từ lâu đã tạo thành những nét văn hóa riêng.

Tác giả bài viết: Mai Sao