Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2022 bắt đầu lúc 8h30 ngày 2/10. Cùng với Nguyên Vũ là ba nhà leo núi khác: Vũ Bùi Đình Tùng (Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng), Bùi Anh Đức (Trường THPT Chuyên Sơn La), Vũ Nguyên Sơn, THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Để có vòng nguyệt quế vinh quang, nam sinh Thái Bình xuất sắc vươn lên dẫn đầu ở các vòng thi. Ở phần thi Khởi động, nam sinh giành được 70 điểm. Ở phần Vượt chướng ngại vật, dù không trả lời được từ khoá cần tìm nhưng Nguyên Vũ vẫn dẫn đầu với 105 điểm.
Phong độ xuất sắc tiếp tục thể hiện ở phần thi tiếp theo - Tăng tốc. Liên tục trả lời đúng và nhanh nhất, Nguyên Vũ dẫn đầu với 175 điểm.
Khoảnh khắc Nguyên Vũ trả lời đúng câu hỏi cuối cùng. |
Về đích, Nguyên Vũ chọn gói 3 câu 20 - 20 - 20 điểm. Câu hỏi đầu nam sinh gốc Thái Bình trả lời chính xác. Ở câu hỏi thứ 2, Nguyên Vũ dùng ngôi sao hy vọng nhưng chưa trả lời chính xác. Đến câu hỏi cuối cùng, thí sinh tiếp tục đưa ra đáp án chưa chính xác. Kết thúc vòng thi Về đích nam sinh có 175 điểm.
Nguyên Vũ giành được điểm trong gói câu hỏi của Đình Tùng thuộc lĩnh vực Toán học. Nếu trả lời sai, người giành vòng nguyệt quế là Nguyên Sơn. Không khí trường quay yên tĩnh khác thường, cho đến khi MC công bố "Nguyên Vũ vô địch". Cả trường quay vỡ òa, còn ở điểm cầu Thái Bình nhiều người không kìm được nước mắt xúc động. Có thêm 30 điểm, Nguyên Vũ đạt tổng 205.
Về nhì là Vũ Nguyên Sơn với 155 điểm, được giải thưởng 100 triệu đồng. Còn Vũ Bùi Đình Tùng đạt điểm và Bùi Anh Đức với 75 điểm được 50 triệu đồng, đồng thời nhận được bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Đặng Lê Nguyên Vũ là học sinh đầu tiên ở Thái Bình trở thành quán quân Olympia về Thái Bình sau 21 năm. Năm 6 tuổi, Nguyên Vũ lần đầu xem Olympia cùng gia đình - trận chung kết năm thứ 11. Cậu bé sinh năm 2005 "thấy anh chị rất ngầu, lại được mọi người vỗ tay" nên thích thú. Nhưng sau đó, Vũ mải mê và bận rộn với nhiều kỳ thi và mối quan tâm khác nhau nên không còn quan tâm nhiều tới chương trình.
Đến cuối những năm cấp hai, Vũ liên tiếp thất bại ở nhiều kỳ thi: không giành giải học sinh giỏi, không đỗ trường chuyên. "Em đã buồn rất lâu và trải qua thời gian dài chán nản, nghi ngờ bản thân", Vũ nhớ lại. Thời điểm đó, trận chung kết Olympia năm thứ 20 diễn ra.
Theo dõi chương trình, Vũ nhớ ra mình từng yêu Olympia và muốn thực hiện ước mơ ngày xưa. Với em, đây cũng là một cách để khẳng định bản thân. Khi chia sẻ quyết định với bạn bè, vài người hoài nghi Vũ, một số còn nhắc "đừng hão huyền". Nam sinh chạnh lòng nhưng càng quyết tâm hơn.
Vũ chủ động tham gia các hội nhóm, cộng đồng học sinh đã và muốn tham dự Olympia trên Internet. Em đăng ký các trận đấu tập và lên chiến thuật tự ôn luyện. Chàng trai Thái Bình trau dồi kiến thức cơ bản và nâng cao thông qua sách giáo khoa và ưu tiên phần này, sau đó tích lũy hiểu biết xã hội bằng tin tức trên báo đài.
|
Hồ sơ ký tham dự Đường lên đỉnh Olympia yêu cầu mỗi trường chỉ giới thiệu duy nhất một học sinh. Ứng viên phải đạt học sinh giỏi lớp 10 và học kỳ I lớp 11, hạnh kiểm tốt mọi kỳ. Trong bản đăng ký, Vũ chia sẻ cả những thất bại và lo lắng hồ sơ của mình "không thú vị như nhiều bạn khác". Dù vậy, cuối tháng 9, nam sinh nhận được giấy mời tham dự, ghi hình đợt đầu tiên. "Em đã hét lên sung sướng, không thể vui hơn được nữa. Em rất bất ngờ mình được gọi sớm như vậy", nam sinh bày tỏ.
Ở trận đấu đầu tiên của Olympia năm thứ 22, Nguyên Vũ giành 250 điểm. Vì đã ôn luyện nhiều tháng, nam sinh cảm thấy mình có thể vượt qua vòng thi tuần nên "không quá vui sướng". Trong khi Vũ đón nhận chiến thắng một cách khá bình tĩnh, bố mẹ em rất bất ngờ.
Sau cuộc thi tháng, Vũ có khoảng một tháng cho trận thi quý nên em lao vào ôn luyện. Em xem lại các trận đấu của Olympia và đọc nhiều sách hơn. Buổi tối, em cũng chia lại thời gian học, dành ba phần tư cho Olympia vì tính chất quan trọng của vòng thi. Kết quả, Nguyên Vũ giành 300 điểm, thắng cách biệt các bạn cũng chơi và góp mặt trong trận chung kết năm.
Trải qua ba vòng thi, Vũ được nhận xét "càng đấu càng hay". Người xem ấn tượng với phong thái tự tin và khả năng quyết đoán của nam sinh trường Bắc Duyên Hà. Nam sinh đánh giá, tốc độ là lợi thế của mình bởi em suy nghĩ khá nhanh.
Trong những thí sinh đã dự thi Oympia, thần tượng của Nguyên Vũ là Hoàng Cường (quán quân Olympia năm thứ 18), Quốc Anh (á quân năm thứ 20) và Hoàng Khánh (quán quân năm 21). Như nhận xét của nhiều người, Vũ cũng tự thấy mình có ngoại hình khá giống Hải An (á quân năm 21). Em cũng ấn tượng với kỷ lục 150 điểm Khởi động của Hải An nên đã học hỏi phong cách chơi của đàn anh.
Không phải học sinh trường chuyên, nam sinh Thái Bình không cho rằng đây là bất lợi. Trái lại, em nghĩ mình có lợi thế nhất định vì thời gian học trải đều các môn và nhiều lĩnh vực khác nhau. Thế mạnh của Nguyên Vũ là Toán và Tiếng Anh, em cũng đang cân nhắc theo đuổi khối A00 (Toán, Lý, Hoá) hoặc A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh).
Cô Nguyễn Thị Hải Yến, giáo viên dạy Lý và là chủ nhiệm của Nguyên Vũ, đánh giá em là học sinh toàn diện. Là lớp trưởng, Vũ có tố chất lãnh đạo, luôn chủ trì các sự kiện của lớp. Ngoài ra, em còn thông minh, nhanh nhẹn và luôn chủ động lên kế hoạch cá nhân.
Cô Yến cho biết, Vũ có khả năng ghi nhớ và tiếp thu rất ấn tượng. Chỉ trong khoảng một tiếng, em có thể học khối lượng kiến thức lý thuyết Vật lý của nửa kỳ. Khi nghe học trò chia sẻ về quyết định dự thi Olympia, cô Yến tin "Vũ sẽ có giải". "Tôi chưa từng thất vọng về Vũ. Trước trận đấu cuối cùng, tôi và nhà trường sẽ hỗ trợ em ôn tập", cô Yến cho hay.
Tác giả: HÀ CƯỜNG
Nguồn tin: Báo VTC