Xã hội

Nâng giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai: Cựu Giám đốc tự ý đi "đi đêm"

Admin

Việc thỏa thuận hình thức liên doanh, liên kết, nâng giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ có Tuấn và Nguyễn Quốc Anh trao đổi, thống nhất.

 Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh - người quyết định nâng khống thiết bị y tế Bệnh viện Bạch Mai

Cựu Giám đốc "đạo diễn" việc Bệnh viện Bạch Mai nâng giá

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố 8 bị can về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", trong vụ nâng khống thiết bị y tế Bệnh viện Bạch Mai.

Theo kết luận điều tra, khoảng cuối năm 2015 đầu 2016, sau khi biết thành lập các khoa ngoại chuyên sâu, do có mối quan hệ từ trước với ông Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, ông Nguyễn Thế Hào, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai, Phạm Đức Tuấn, Giám đốc Công ty BMS đã đến Bệnh viện Bạch Mai giới thiệu về các hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật khớp và phẫu thuật sọ não.

Khoảng tháng 5/2016, Tuấn chủ động xin đến gặp Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (thời điểm đó) để giới thiệu các hệ thống robot với mong muốn được bán cho bệnh viện.

Tại các cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Anh, Tuấn trình bày về hệ thống Robot Rosa dùng trong phẫu thuật sọ não và Robot Mako dùng trong phẫu thuật khớp gối, đề xuất bán cho bệnh viện với giá 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Anh không đồng ý cho Bệnh viện Bạch Mai mua mà đề nghị Tuấn tham gia đề án đặt máy theo hình thức liên doanh liên kết, còn giá robot do Tuấn đưa ra đối với Robot Rosa 39 tỷ đồng và Robot Mako 44 tỷ đồng cần phải tìm đơn vị cấp chứng thư thẩm định giá.

Sau một số cuộc gặp, trao đổi tiếp theo, Tuấn và ông Nguyễn Quốc Anh đã thống nhất triển khai liên doanh, liên kết với giá thiết bị robot do Tuấn đưa ra, Công ty BMS liên hệ với Phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Bạch Mai để hoàn thiện thủ tục liên quan và giới thiệu đơn vị thẩm định giá thiết bị.

Việc thỏa thuận về hình thức liên doanh, liên kết và nâng giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ có Tuấn và ông Nguyễn Quốc Anh trao đổi, thống nhất.

Cung cấp hồ sơ nhập khẩu robot nhưng xóa giá trị trên tờ khai hải quan

Sau khi ký hợp đồng liên doanh liên kết, xác định giá trị đầu tư hệ thống Robot Rosa là 39 tỷ đồng với Bệnh viện Bạch Mai, Tuấn chỉ đạo nhân viên cung cấp hồ sơ nhập khẩu robot nhưng xóa giá trị trên tờ khai hải quan nhập khẩu cho Bệnh viện Bạch Mai, không thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của Công ty BMS trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh giá trị và tính hợp pháp của máy theo các điều khoản của hợp đồng liên doanh liên kết.

Tuấn thừa nhận, tổng giá trị Hệ thống Robot Rosa cộng chi phí vận chuyển, lắp đặt cho đến khi vận hành tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ là 7.459.037.647 đồng nhưng bằng thỏa thuận, thống nhất với cựu Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Quốc Anh và việc hợp thức hóa thủ tục định giá Robot Rosa 39 tỷ đồng, Công ty BMS đã được Bệnh viện Bạch Mai cho hưởng số tiền khấu hao thiết bị không đúng thực tế là 23.214.286 đồng/ca.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, hành vi của Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền, Trịnh Thị Thuận, Lý Thị Ngọc Thủy - Bệnh viện Bạch Mai, Phạm Đức Tuấn, Ngô Thị Thu Huyền - Công ty BMS và Trần Lê Hoàng, Phan Minh Dung - Công ty VFS đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 3, Điều 356 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó, vai trò chính tại Bệnh viện Bạch Mai thuộc về Nguyễn Quốc Anh, các bị can còn lại có vai trò giúp sức.

Dùng chứng thư thẩm định giá khống làm "bình phong"

Để hợp thức thủ tục thẩm định giá, Tuấn liên hệ với Trần Lê Hoàng, Thẩm định viên Công ty VFS thỏa thuận việc cấp chứng thư thẩm định với giá Robot Rosa 39 tỷ đồng và Robot Mako giá 44 tỷ đồng

Cụ thể, Tuấn điện thoại, đặt vấn đề nhờ Trần Lê Hoàng định giá thẩm định giúp hai hệ thống robot phẫu thuật, làm căn cứ thực hiện đề án liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.

Trong đó, ấn định giá Robot Rosa là 39 tỷ đồng và Robot Mako là 44 tỷ đồng. Sau đó, Hoàng báo cáo với Phan Minh Dung, Giám đốc VFS và được Dung đồng ý.

Tiếp đến, ngày 26/12/2016, Công ty VFS nhận được Giấy đề nghị thẩm định giá robot của Bệnh viện Bạch Mai, Hoàng được Dung phân công tiếp nhận, sau đó Hoàng giao cho Đỗ Trung Hiếu, cán bộ thẩm định thực hiện.

Hoàng thừa nhận quá trình Công ty VFS ký hợp đồng thẩm định giá, ban hành Chứng thư thẩm định giá số 137 và 138/2017/CT-TĐG-VFS ngày 2/2/2017 cho Bệnh viện Bạch Mai xác định Robot Rosa trị giá 39 tỷ đồng và Robot Mako trị giá 44 tỷ đồng, Hoàng và Công ty VFS chỉ liên hệ với Công ty BMS (thông qua Tuân và Huyên), không làm việc với ai tại Bệnh viện Bạch Mai.

Khi Hoàng soạn thảo, ký ban hành các Chứng thư thẩm định giá nêu trên không có tài liệu thể hiện giá máy, bảng báo giá, hồ sơ nhập khẩu máy và không tiến hành khảo sát thiết bị trên thị trường.

Điều này trái quy định của Điều 29 Nguyên tắc hoạt động thẩm định giá, Điều 30 về Quy trình thẩm định, giá tài sản, Luật giá năm 2012 và Quy trình thẩm định giá (Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05) ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính. Việc ban hành chứng thư thẩm định là lập khống theo giá đề nghị của Phạm Đức Tuấn.

Hoàng và Dung thừa nhận việc ban hành chứng thư thẩm định giá cho Công ty BMS, Bệnh viện Bạch Mai là lập khống, vi phạm pháp luật, giúp cho Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai hợp thức hóa thủ tục nâng giá thiết bị đưa vào đề án liên doanh, liên kết, gây thiệt hại cho người bệnh, mục đích là để Công ty VFS được hưởng phí dịch vụ thẩm định 41,8 triệu đồng của Bệnh viện Bạch Mai.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, hành vi của Trần Lê Hoàng, Phan Minh Dung - Công ty VFS đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 3, Điều 356 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tác giả: Phùng Đô

Nguồn tin: Báo Giao thông