Giáo dục

“Nên thay kỳ thi giáo viên dạy giỏi bằng một hình thức khác”

Lợi Trần

Những tiết học được học đi học lại, những đáp án được trả lời sẵn sẽ gián tiếp dạy học sinh về tính gian lận trong học tập.

Thi giáo viên dạy giỏi, nhiều bài giảng cứ như đến từ thiên đình!

LTS: Tiếp tục bàn luận về chất lượng kì thi giáo viên dạy giỏi, tác giả Phương Thảo đã có trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Huy (Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và nhận được quan điểm nên thay thế cuộc thi này bằng hình thức thi khác.


Hội thi giáo viên giỏi các cấp là một trong những hoạt động tích cực trong việc phát triển các phong trào thi đua, tạo cơ hội cho giáo viên giao lưu học hỏi, phát triển khả năng sáng tạo của mình.

Bên cạnh đó còn tạo động lực phấn đấu cho mỗi giáo viên trong quá trình giảng dạy, tuy nhiên hiện nay, tình trạng các đơn vị khi tham gia hoạt động này vẫn còn quá coi trọng hình thức, cách thức tổ chức chưa đánh giá được chính xác về trình độ giáo viên.

Trước thực trạng tồn tại nhiều bất cập, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Huy (Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng: “Nên thay kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp bằng một hình thức khác”.

Thi Giáo viên giỏi hay thi học thuộc lòng?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Huy cho rằng đây là một kỳ thi học thuộc lòng và làm ảo thuật.

Theo như tinh thần của cuộc thi, các giáo viên sẽ được phát triển sự sáng tạo, tư duy của mình để đưa vào bài giảng.

Tuy nhiên, phần lớn các giáo trình mà giáo viên sử dụng đều được lập trình sẵn nên chỉ việc học thuộc lòng một cách nhuần nhuyễn, tập dượt rất nhiều lần và chuẩn bị biểu diễn như làm ảo thuật.

Có trường hợp giáo viên toán đã dùng đinh dùi lỗ sẵn trên bảng đề khi thầy đặt compa vẽ đường tròn thì đường tròn tiếp xúc với đường thẳng cho trước.

Có thầy dạy về cảm ứng tĩnh điện trong ngày mưa, độ ẩm không khí quá cao nên các vật nhiễm điện do ma sát sẽ không hút nổi quả cầu bấc nên đã dùng hồ dán làm tác nhân để buổi trình diễn được mỹ mãn.

Một giáo viên đang trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi (Ảnh nguồn: laodong.com.vn).

Giáo viên học thuộc lòng là một chuyện, đến học sinh cũng phải học thuộc lòng từng câu trả lời do giáo viên đặt ra và được tập luyện trước khi diễn ra kỳ thi.

Ngay cả việc học sinh giơ tay phát biểu cũng được chỉ định rõ ràng, một tiết học 100% học sinh  hăng hái giơ tay phát biểu, nhưng các “quân xanh, quân đỏ” đều đã được chỉ định trả lời như thế nào; lựa chọn học sinh, thay đổi sĩ số lớp,  sẵn sàng cho những học sinh thuộc “tốp dưới” nghỉ học… đều nằm trong kế hoạch xử lý tình huống của giáo viên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Huy cho rằng, một tiết dạy được lập trình sẵn từ giáo viên đến học sinh như vậy không thể đánh giá được toàn bộ năng lực của giáo viên một cách chính xác, mọi thứ quá là hình thức khi giáo viên chỉ nhận xét, đánh giá lẫn nhau mà quên đi chất lượng chính là các em học sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Huy chia sẻ:

“Theo tôi được biết, những năm sáu mươi của thế kỉ trước, một số giáo viên tâm huyết đã tổ chức những buổi dự giờ (chứ không phải thi giáo viên dạy giỏi) để lãnh đạo Phòng và Sở Giáo dục biết được rằng học sinh của chúng ta kém đến mức độ nào.

Việc làm này xem ra còn thiết thực hơn là các hoạt động hình thức như thi giảng dạy và chấm sáng kiến hiện nay”.

Về việc đánh giá chất lượng giáo viên dạy giỏi qua giáo án giảng dạy ông Huy cũng nêu ra quan điểm:

“Đối với những giáo án hay, có chất lượng thì nên đưa lên mạng hay các kênh thông tin, giáo dục… để cùng học hỏi, tham khảo, không nhất thiết phải thi cử”.

Chính cách dạy học có sẵn này của giáo viên đã trực tiếp tạo cho các em tư duy về cách học đối phó, thụ động; những tiết học được học đi học lại, những đáp án được trả lời sẵn sẽ gián tiếp dạy các em về tính gian lận, không trung thực trong học tập.

Một vấn đề tiếp theo được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Huy đưa ra là kiểu bình bầu,  chấm sáng kiến trong các trường cũng dễ dẫn đến mâu thuẫn nội bộ do sự không trung thực trong đánh giá.

Đánh giá năng lực giáo viên qua sự phát triển của học sinh

Nói về việc đánh giá năng lực giáo viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Huy nêu quan điểm:

“Đánh giá một giáo viên giỏi cần phải có rất nhiều yếu tố, đặc biệt về chất lượng.

Chất lượng đánh giá giáo viên ở đây là gì? Chính là sự phát triển của học sinh.

Hơn nữa, thay vì tôn vinh những giáo viên dạy giỏi theo sự sắp xếp thì chúng ta hãy tôn vinh những tấm gương giáo viên tâm huyết, giảng dạy nhân đạo cho học sinh nghèo, khuyết tật không lấy tiền”.

Chúng ta thường nói giáo dục hiện đại lấy người học làm trung tâm, vậy những hoạt động nào là thực sự hướng tới người học?

Ngày xưa, học trò bị coi là thụ động; tri thức là cố định, bất biến; việc dạy học là “nhồi tri thức”; giáo viên là nghệ sĩ “bón ăn”; vậy mà thời đó người ta cũng không quá thiên về đánh giá tài nghệ của người thầy.

Ngày nay, tri thức là động, học trò là đa dạng, việc dạy học là khơi dậy, chỉ ra những nguồn tri thức để các em, thông qua hoạt động nhóm với sự trợ giúp lặng lẽ của người thầy, tự lấy về, sắp xếp lại và trình bày với tập thể lớp những gì các em đã gặt hái được.  

Nếu như những cuộc thi giáo viên dạy giỏi vẫn tiếp tục diễn ra thì nên có những tiêu chí đánh giá một cách khách quan, minh bạch và công bằng.

Sự tiến bộ, phát triển của học sinh sau một thời gian nhất định sẽ là thước đo năng lực của giáo viên một cách chính xác nhất.

Cấp bậc của giáo viên sẽ tỷ lệ thuận với sự phát triển của học sinh, học sinh càng phát triển theo hướng tích cực thì chứng tỏ giáo viên đó càng giỏi.

Bên cạnh đó, chế độ cho giáo viên cũng nên được quan tâm, đặc biệt là đối với những thầy cô dạy bảo được nhiều học sinh yếu kém (về cả học lực và hạnh kiểm).

Sản phẩm lao động của những người thầy chính là học sinh, một giáo viên giỏi và tâm huyết với nghề sẽ là người phát hiện, tìm ra được những mặt tích cực và yếu kém, khơi dậy được những yếu tố đặc biệt trong từng học sinh, từ đó giúp chúng phát huy được điểm mạnh và ngày càng tiến bộ.

Tác giả bài viết: Phương Thảo