Kinh tế

Ngân hàng đầu tiên báo lãi lớn nhờ cho vay lãi suất cao

Lợi Trần

Vietcombank vừa công bố kết quả 6 tháng đầu năm 2016 với lợi nhuận trước thuế đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ, đạt 52% kế hoạch năm. Một trong những nhân tố đóng góp chính vào lợi nhuận của Vietcombank là đẩy mạnh cho vay vào các phân khúc có lãi suất cao như cho vay cá nhân…

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết tính đến 30.6.2016, huy động vốn đạt 535.203 tỷ đồng, tăng 6,72% so với 2015, đạt 102,23% kế hoạch 6 tháng và đạt 92,93% kế hoạch cả năm.

“Tín dụng tăng cao hơn mức tăng của ngành ngân hàng, đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ, cao nhất trong 4 năm trở lại đây khi dư nợ tín dụng đạt 437.580 tỷ đồng, tăng 10,76% so với cuối năm 2015, đạt 102,63% kế hoạch 6 tháng và đạt 94,67% kế hoạch năm. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, thu hồi nợ ngoại bảng đạt kết quả khả quan, các hệ số an toàn tiếp tục được đảm bảo”, ông Dũng cho biết.

 

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank

Cũng theo ông Dũng, 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ xấu được xử lý là 2.411 tỷ đồng; hệ số an toàn vốn (CAR) cao hơn mức quy định của NHNN. Các hoạt động dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt, doanh số thanh toán quốc tế - tài trợ thương mại đạt 24,8 tỷ USD, tăng 8,34% so với cùng kỳ…

“Với các kết quả đó, lợi nhuận trước thuế đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ, đạt 52% kế hoạch năm 2016”, ông Dũng cho biết.

Bình luận về kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Vietcombank, CTCK TPHCM (HSC), cho rằng cho vay đến cuối tháng 6 chủ yếu vào phân khúc cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Điều này giúp cho tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) tăng 0,1%, từ 2,65% trong 6 tháng đầu năm 2015 lên 2,75% nhờ tỷ lệ LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động) thuần tăng.

“Bên cạnh đó, tăng trưởng cho vay vượt tăng trưởng huy động cộng với sự chú trọng của Vietcombank vào các phân khúc cho vay lãi suất cao chẳng hạn như cho vay cá nhân. Đồng thời Vietcombank có thế mạnh mạng lưới nên có thể tập trung cho vay các mảng cho vay có lãi suất cao chẳng hạn như cho vay tiêu dùng. Điều này là nhờ hệ số LDR ở mức hợp lý trong khi tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn cũng ở mức thấp”, HSC phân tích.

Được biết, năm 2016, Vietcombank dự kiến đạt tổng tài sản 765.438 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2015. Dư nợ cho vay tăng 17%, tiền gửi của khách hàng tăng 15%. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 10% so với mức lợi nhuận đạt được năm 2015.

Tuy nhiên, HSC dự báo tăng trưởng tín dụng của Vietcombank sẽ đạt khoảng 21%. “Với hệ số LDR thấp đồng thời CAR được cải thiện sau phát hành riêng lẻ, theo đó Vietcombank có thể đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng hơn nữa”, HSC dự báo.

HSC cũng dự báo tỷ lệ NIM của Vietcombank trong năm 2016 sẽ tăng 0,06%, do lo ngại về yêu cầu giảm lãi suất cho vay gần đây của NHNN.

Tuy nhiên, HSC cho rằng có 4 yếu tố giúp Vietcombank duy trì đà tăng của tỷ lệ NIM, đó là hệ số LDR tăng; ảnh hưởng cả năm của đầu tư trái phiếu USD lợi suất cao; tác động có lợi từ sự thay đổi của cấu trúc cho vay khi lãi suất ưu đãi áp dụng cho năm đầu tiên của các khoản vay đã không còn và theo đó ghi nhận lãi suất cao hơn cho những năm sau; cho vay cá nhân tăng 40 -50% so với năm 2015.

“Chúng tôi ước tính cứ 1% tăng của tỷ trọng các khoản vay cá nhân sẽ tương ứng tác động tăng 0,02% tỷ lệ NIM. Mảng cho vay cá nhân là đóng góp quan trọng ở đây, tuy nhiên, thực tế cho thấy sản phẩm cho vay cá nhân của VCB không quá hấp dẫn hơn so với các ngân hàng khác”, HSC bình luận.

Chẳng hạn, ngân hàng không còn cung cấp dịch vụ thấu chi, một sản phẩm phổ biến trong hoạt động cho vay khách hàng cá nhân và ngân hàng có vẻ vẫn quá thận trọng trong việc kiểm soát tỷ suất nợ vay trên tài sản thế chấp đối với cho vay tiêu dùng.

Tác giả bài viết: Trần Giang

Nguồn tin: