Tin địa phương

Ngành GD-ĐT Hải Phòng: Chủ động đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới

Admin

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Chương trình GDPT tổng thể bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021 trên phạm vi toàn quốc. Để đáp ứng kịp thời Chương trình mới, nhiều năm học qua ngành GD Hải Phòng đã tích cực tiến hành rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp và đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các cơ sở GD trên địa bàn.

 Chương trình GDPT mới sẽ áp dụng đối với bậc THPT từ năm học 2022 - 2023. Ảnh: Nguyễn Dịu

Kết quả quá trình rà soát đội ngũ cho thấy, 100% số cán bộ, giáo viên trong hệ thống GD Hải Phòng đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục, Sở tích cực trang bị cho giáo viên, tiểu học và THCS những phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực như: Bàn tay nặn bột, dạy học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch... qua các chương trình hội thảo; tổ chức hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”; thí điểm giáo dục STEM tại một số trường THCS, THPT đủ điều kiện; triển khai các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đổi mới kiểm tra, đánh giá; tăng cường công tác định hướng, hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học nhằm phát huy năng lực sáng tạo của HS và giáo viên...; xây dựng tiêu chí và tổ chức thực hiện đánh giá giờ dạy của giáo viên theo hướng phát triển năng lực HS.

Việc tổ chức thực hiện mô hình trường học gắn với sản xuất - kinh doanh, hướng nghiệp HS đã được nhiều trường THPT thực hiện. Nhờ đó, các trường chủ động, sáng tạo sắp xếp lại nội dung dạy học phù hợp điều kiện thực tế; tăng cường tính sáng tạo của học sinh…

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới, ngành GD-ĐT cũng gặp không ít khó khăn. Đối với cấp tiểu học, đội ngũ giáo viên còn thiếu so với yêu cầu, hiện chỉ đạt 1,3 giáo viên/lớp trong khi chương trình mới yêu cầu phải đạt tối thiểu 1,5 giáo viên/lớp.

Tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày còn thấp, năm học 2018 - 2019 là 67,3%, giảm gần 3,5% so với năm học 2017 - 2018. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại nhiều cơ sở GD còn khó khăn, nhất là ở các khu vực ngoại thành, vùng sâu vùng xa, hải đảo. Cơ sở vật chất ở các trường trung tâm huyện, thành phố chưa được mở rộng nên sĩ số HS/lớp quá đông, vượt quá quy định của Bộ GD&ĐT…