Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 dạy rằng: “Phẩm chất các hành động của ta tùy thuộc ở động cơ của chúng ta.”
Xét theo đó, phụ huynh tặng quà thầy cô giáo của con là việc nên hay không nên làm nằm ở động cơ của phụ huynh. Giả sử, phụ huynh tặng quà thầy cô của con với mục đích tri ân người đã dạy dỗ con mình, thì đó là một động cơ tốt, do vậy đó là một hành động đẹp, nên làm.
Còn nếu phụ huynh tặng quà 20/11 để thầy cô “để mắt” hơn tới con mình, thậm chí để thầy cô không “đì” con mình, thì việc tặng quà đó giống như là “hối lộ” vậy. Cũng bởi động cơ này đã ít nhiều dẫn đến cuộc “chạy đua” giữa các phụ huynh về phong bì “nặng nhẹ”, về giá trị món quà. Dường như quà càng giá trị, “phong bì” càng “nặng” thì phụ huynh càng yên tâm.
Vì bản thân hành động đẹp hay không đẹp là nằm ở động cơ của người thực hiện, như vậy, việc tặng quà 20/11 đến thầy cô của con tốt hay không tốt, nên hay không nên là nằm ở động cơ của phụ huynh khi tặng quà.
Động cơ “ẩn” của phụ huynh đằng sau việc tặng quà “tri ân” thầy cô của con vô hình trung đã biến một nét đẹp văn hóa trở thành một “vấn nạn”. Điều này xảy ra đúng như lời của Đại đức Hàn Quốc Pomnyun Sunim: “Ngay cả những việc được xã hội đồng tình và trở thành quan niệm phổ biến cũng có thể trở thành việc “vô đạo” bị nhiều người lên án. Một trong số đó là hiện tượng thầy cô giáo nhận quà của học trò.
Ngày xưa, các phụ huynh có con đi học, để tỏ tấm lòng biết ơn thầy nhọc công dạy dỗ, họ biếu quà, phần nhiều là những đồ ăn được như khoai lang, trứng gà chẳng hạn. Còn trong xã hội ngày nay, hành động tri ân ấy lại phát triển thành văn hóa tiền bạc.”
Đại đức Pomnyun Sunim lý giải: “Vấn đề là ở chỗ “tâm ý” quá nặng nên mới gây ra ảnh hưởng xấu.”
Ông bà ta có câu "Của cho không bằng cách cho". Với việc tặng quà, quan trọng là cách tặng, không phải là bản thân món quà. Tôi nghĩ, điều này cũng đúng với việc tặng quà thầy cô của con. Quan trọng là động cơ của phụ huynh khi tặng quà thầy cô của con mình, chứ không phải là bản thân món quà.