Kinh tế

Ngày mai (11-3), giá xăng tăng lên hơn 30.000 đồng/lít?

Admin

Từ ngày 1-3 đến nay, giá dầu liên tiếp lập đỉnh mới do căng thẳng chính trị giữa Nga- Ukraine. Đây là nhân tố chính khiến giá xăng dầu trong nước được dự báo có thể tăng tiếp, vượt mức 30.000 đồng/lít xăng.

 Giá xăng dầu vẫn có xu hướng tăng mạnh

Giá xăng còn có thể tăng nữa

Ngày 6-3, vài phút trước khi bắt đầu phiên giao dịch, giá dầu Brent ở mức 139,13 USD và WTI lên 130,5 USD. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 7-2008.

Tính đến chiều 9-3, trên thị trường thế giới, giá dầu Brent khoảng 130 USD thùng, dầu WTI 125.9 USD/thùng (tăng khoảng 30 USD/thùng so với ngày 1-3).

Trong khi đó, Bộ Công Thương cập nhật số liệu đến ngày 8-3 cũng cho biết, tại thị trường Singapore, xăng RON 92 có giá gần 150 USD/thùng (tăng 36 USD/thùng so với ngày 1-3); Xăng 95 có giá 144.8 USD/thùng (tăng 28 USD/thùng), dầu hỏa 147,7 USD/thùng (tăng 34,5 USD/thùng); dầu Diesel 157,6 USD thùng (tăng 40 USD/thùng), mazut 700 USD/tấn (tăng 145 USD/tấn).

Với mức thuế phía hiện tại, giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 2.000 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 11-3, đưa giá xăng trong nước lên hơn 30.000 đồng/lít, mức giá chưa từng có trong lịch sử.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, giá xăng dầu cũng có thể tăng thêm 3.000- 4.000 đồng/lít nếu nhà điều hành không sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn để “hạ nhiệt” giá xăng dầu.

Theo tính toán của doanh nghiệp, giá dầu thô thế giới đã tăng từ 24-34% trong gần 10 ngày qua khiến doanh nghiệp phải gồng mình gánh lỗ.

Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định, khi giá dầu thế giới biến động trên 20%, Liên Bộ Công Thương- Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Với mức biến động giá rất mạnh trong thời gian ngắn trên, các doanh nghiệp mong muốn được rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ trong nước, thay vì 10 ngày một lần như quy định tại Nghị định 95, nhằm vừa giảm lỗ cho doanh nghiệp, vừa đưa giá xăng dầu bám sát giá thế giới và góp phần đảm bảo nguồn cung trên thị trường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quyết định rút ngắn điều hành giá xăng sẽ gây bất lợi cho người dân, khi giá xăng là mặt hàng đầu vào quan trọng, tăng giá xăng dồn dập sẽ tác động đến giá cả hàng loạt nhóm hàng hóa khác, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cần xác định giá xăng dầu còn có thể tăng nữa chứ chưa dừng lại ở đây. “Nguyên nhân khiến giá dầu thế giới tăng chủ yếu là do nguồn cung khan hiếm. Những năm qua thế giới đã không còn đầu tư tìm kiếm, khai thác dầu mỏ, sản lượng khai thác đã đạt đỉnh. Do đó, giá dầu thế giới tăng mạnh. Căng thẳng giữa Nga- Ukraine chỉ là “chất xúc tác” để giá dầu tăng nhanh và tăng mạnh hơn, chứ không phải nguyên nhân sâu xa.

Vì vậy mà cần có tính toán dài hơi với việc giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng”- ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường là chưa "đủ liều"

Là một loại hàng hóa “huyết mạch” của nền kinh tế nên giá xăng dầu trong nước tăng khiến giá cả nhiều mặt hàng khác tăng theo. Nhiều ngành sản xuất có chi phí xăng dầu chiếm đến gần 50% chi phí giá thành, không chỉ ngành giao thông.

Chẳng hạn, ngành khai thác thủy sản, 1 thuyền trước chi phí hết 1 triệu tiền xăng một lần thì giờ cần 1,4 triệu đồng; Chi phí xăng dầu cũng chiếm gần 50% chi phí của hoạt động khai thác than…

Khi hàng hóa thiết lập mặt bằng giá mới sẽ tác động tác động đến tiêu dùng của người dân theo hướng tiêu cực. Bên cạnh đó, thúc đẩy lạm phát gia tăng.

Theo tính toán, giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm lạm phát tăng 0,86%. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng đến 60% nên rủi ro lạm phát cao rất lớn.

Nêu quan điểm về hoạt động điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương- Tài chính thời gian qua, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, liên bộ đã điều hành tốt, mà cụ thể là sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, chỉ sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá thì chưa đủ để kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu.

“Nên chăng liên Bộ cần sử dụng thêm công cụ khác nữa. Theo thống kê thì tỷ lệ thuế, phí hiện chiếm hơn 40% giá cơ sở mặt hàng xăng, hơn 20% giá cơ sở mặt hàng dầu. Vừa rồi Bộ Tài chính lấy ý kiến phương án giảm từ 500-1.000 đồng/lít (kg) thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn… nhưng có ý kiến “chê” ít.

Tôi rất đồng cảm với Bộ Tài chính vì nếu giảm nhiều sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Nhưng chính sách tài khóa cần đặt trong bối cảnh dài hơi hơn”- ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Cụ thể, nếu giảm mạnh khoản thuế này trước mắt thì thu ngân sách có thể thâm hụt nặng nhưng giá xăng dầu ổn định, chi phí sản xuất không tăng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.

“Doanh nghiệp làm ăn tốt sẽ bù đắp nguồn thu ngân sách. Theo tính toán của chúng tôi thì khoản này còn lớn hơn là hụt thu. “Dùng thuốc” thì phải đúng liều, đủ liều, nếu không sẽ rất lâu khỏi bệnh”- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định.

Sớm giảm thuế, phí

Về cách làm, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng việc Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường như hiện nay là đúng quy trình. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay thì việc này cần thực hiện linh hoạt.

“Kế hoạch, giải pháp tốt nhưng thực hiện muộn thì không còn tác dụng. Khi đã có phương án thì cần khẩn trương đưa vào thực hiện, cần linh hoạt và đúng thời điểm”- ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị nên lưu ý giảm các khoản thuế phí khác trong giá xăng dầu chứ không chỉ gồm thuế bảo vệ môi trường. Đặc biệt là không nên so sánh giá xăng dầu tại Việt Nam với các nước, vì so sánh cần phải đặt trong bối cảnh phù hợp với nền kinh tế để vừa có lợi cho người kinh doanh xăng dầu, vừa có lợi cho người dân.

Ông Nguyễn Xuân Định- Phó Trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cơ quan quản lý cần bám sát giá cả, cung cầu hàng hóa. Nếu thiếu cung thì cần khơi thông nguồn cung, tránh để thị trường “té nước theo mưa”.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: anninhthudo.vn