Giáo dục

Nghệ An: Nữ tân binh gác tình riêng lên đường nhập ngũ

Lợi Trần

“Em đi, bố cũng sẽ vất vả hơn khi chăm sóc mẹ, mẹ cũng sẽ buồn khi không có con gái ở bên tỉ tê, tâm sự. Mẹ đã động viên rất nhiều để em yên tâm thực hiện ước mơ của mình, em sẽ cố gắng để không phụ lòng mẹ, để nối tiếp truyền thống vẻ vang của gia đình”, nữ tân binh Lê Thị Phương Thảo tâm sự.

Nữ tân binh Lê Thị Phương Thảo.

Trong căn nhà ở “xóm nhà binh” (xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An), Lê Thị Phương Thảo (SN 1993) đang tất bật chuẩn bị hành trang để 16/2 tới lên đường nhập ngũ. Chị Trần Thị Kim Nhung - mẹ Thảo đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An bởi căn bệnh ung thư phổi. Bố Thảo tranh thủ những giờ nghỉ hiếm hoi vào viện chăm vợ để con gái sắm sửa hành lý chuẩn bị lên đường.

Xếp những vật dụng cần thiết, kem chống nắng, thuốc xoa bóp vào ba lô, Thảo bỏ thêm mấy quyển sách mà em yêu thích. “Trong thời gian huấn luyện, em nghe nói không được sử dụng điện thoại nên mang sách theo, những lúc rỗi rãi đọc”, Thảo tâm sự.

Tháng 3 năm ngoái, Thảo tốt nghiệp Học viện Ngân hàng (ngành Tài chính doanh nghiệp). Cũng trong thời gian nay, mẹ Thảo ngã bệnh, phải điều trị tại Bệnh viện K Trung ương. Bố đi làm, em trai còn nhỏ, Thảo chăm mẹ ở viện.

 
Thảo chuẩn bị hành trang để lên đường nhập ngũ. Cô sẽ trải qua 3 tháng huấn luyện tại Lương Sơn (Hòa Bình).
.
Mùa tuyển quân năm nay, khi hay tin tuyển tân binh nữ, Thảo mạnh dạn đăng kí khám tuyển. “Từ nhỏ em luôn mong được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh nhưng chưa thực hiện được. Lần này em phân vân lắm, bởi cơ hội không có nhiều.

Mẹ biết, động viên em thực hiện ước mơ của mình. Mẹ bảo em yên tâm, mẹ có thể chăm sóc bản thân, còn có bố, có các cậu nữa nên sẽ nhanh khỏe thôi. Được bạn trai và bố mẹ chồng tương lai động viên nữa nên em quyết định đăng kí khám tuyển nghĩa vụ quân sự”, Thảo cho biết.

Khi biết mình là 1 trong 9 nữ tân binh của tỉnh Nghệ An đợt này, Thảo vui lắm. Giấc mơ áo lính đã trở thành hiện thực. Thế nhưng, ngày nhận được thông báo trúng tuyển, trong lòng Thảo ngổn ngang trăm mối. Mình đi rồi, ai sẽ chăm sóc mẹ? Ai phụ bố chăm lo cho gia đình? Ai cơm nước, đưa đón em đi học…

Bố mẹ Thảo biết nỗi lòng của con gái nên ra sức động viên Thảo yên tâm lên đường nhập ngũ. Để Thảo yên tâm với nhiệm vụ mới, bạn trai hứa cuối tuần sẽ từ chỗ làm cách hàng trăm cây số về thay Thảo báo hiếu, chăm sóc mẹ. Nỗi băn khoăn, lo lắng của Thảo phần nào được giải tỏa.

 
Trong hành trang của nữ tân binh này không thể thiếu những cuốn sách "gối đầu giường"

Ông Lê Đình Cương - bố Thảo hiện đang công tác trong quân đội. Như những người lính khác, ông thường rất kiệm lời và chỉ dặn dò con gái những việc cần thiết khi trở thành một người lính bởi môi trường quân ngũ với những buổi huấn luyện vất vả và kỷ luật “sắt” không phải là môi trường phù hợp với những cô gái chân yếu, tay mềm và thiếu bản lĩnh.

Bước chân vào quân ngũ, Thảo sẽ phải quen với cuộc sống mới, với những buổi huấn luyện mệt nhoài ở thao trường dưới thời tiết khắc nghiệt, là làn da sẽ chuyển màu, là đôi bàn tay không còn mềm mại khi làm quen với các loại vũ khí, là những đêm không thể cuộn tròn trong tấm chăn ấm áp khi tiếng còi báo động vang lên, là phải xa bố mẹ, người yêu trong thời gian không phải ngắn…

 
Thực hiện ước mơ của mình nhưng trong lòng nữ tân binh Lê Thị Phương Thảo cũng chất chứa những nỗi niềm, nhất là khi mẹ đang mắc trọng bệnh, cần có người chăm sóc.

“Nghe bố và các chị trong đơn vị bố “nắn gân”, thú thật em cũng hơi sợ. Không phải sợ gian khổ, vất vả mà sợ mình không thể vượt qua được thời gian huấn luyện. Nhưng đăng kí khám tuyển nghĩa vụ quân sự để trở thành một người lính, em đã xác định tư tưởng cho mình rồi.

Là con nhà lính, với lại em cũng có thời gian huấn luyện 1 tháng hồi đi học nên em nghĩ mình có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại, hoàn thành nhiệm vụ, nối tiếp truyền thống gia đình, xứng danh với bộ quân phục màu xanh đang mang”, Thảo chia sẻ.

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, trong đợt tuyển quân này, toàn tỉnh Nghệ An có 9 nữ thanh niên đủ điều kiện trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, trong đó có 5 nữ tân binh quê TP Vinh, 2 nữ tân binh quê Nghi Lộc, hai huyện Thanh Chương và Đô Lương mỗi đơn vị có 1 người. Các nữ tân binh này đều có trình độ cao đẳng, đại học và có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội.

Tác giả bài viết: Hoàng Lam

Nguồn tin: