Tại quận 1, cả 10 phường đều có cộng tác viên TTĐT nghỉ việc. Năm 2016 đã 62 người nghỉ, hơn nửa năm nay có thêm 29 người. Các quận khác cũng vậy. Đà nghỉ việc không dừng lại khi lương và phụ cấp (tổng cộng chỉ hơn 2 triệu đồng) chưa có dấu hiệu tăng trong khi công việc mỗi ngày càng nhiều, căng thẳng hơn và nguy hiểm hơn. Đã có trường hợp bị rượt chạy, bị tạt nước bẩn, thậm chí bị đánh gãy tay.
Nhiều người đang gắng bám việc chỉ để chờ tìm việc làm khác phù hợp hơn và có thu nhập tốt hơn. Trong khi đó, các địa phương chưa thể tìm đâu ra nhân sự thạo việc, chịu khó… để thay thế. Có địa phương "linh động" giải quyết phúc lợi cho lực lượng này nên rơi vào thế kẹt, như quận 9 đóng bảo hiểm xã hội cho 14 cộng tác viên, đến nay mang nợ 160 triệu đồng.
Trong lúc TP HCM tiếp tục đẩy mạnh việc ra quân lập lại TTĐT mà lực lượng cộng tác viên nghỉ việc ngày càng nhiều thì "chiến dịch" hẳn gặp trở ngại, trước mắt và lâu dài.
Thực trạng trên còn cho thấy sự thiếu đồng bộ trong thực thi quyết sách. Chủ trương đã ban, bộ máy đã có, thực việc đã tiến hành nhưng kinh phí để duy trì hoạt động công vụ thì chưa theo kịp.
Những khó khăn mà lực lượng cộng tác viên TTĐT đối mặt là hoàn toàn có thể lường trước để có giải pháp ngay từ đầu chứ không phải đến bây giờ vẫn còn chờ duyệt đề xuất hỗ trợ trong khi tình trạng nghỉ việc đã bắt đầu từ năm ngoái. Trong bối cảnh TTĐT như hiện nay, cần phải đầu tư xứng đáng cho lực lượng cán bộ TTĐT.
Chỗ cần đầu tư thì không (hoặc chưa) đầu tư tương xứng với công sức lao động và mức độ đóng góp. Nhìn rộng ra các lĩnh vực khác, thấy ở đâu cũng có sự bất cập. Đó là ngành sư phạm suốt mấy chục năm bộ chủ quản thay tới đổi lui đủ cách mà nhà giáo đến giờ vẫn chưa thể sống được bằng lương. Ai cũng bảo để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, phải bắt đầu từ sự đầu tư xác đáng cho người thầy nhưng thực tế thì ngành sư phạm đang sa sút đến kinh ngạc.
Trong lĩnh vực thể thao cũng vậy. Có sự bất cân xứng rõ nét trong đầu tư cho bóng đá nam và bóng đá nữ. Một nền bóng đá nam trình độ thấp tè mà cứ đổ tiền vào không ngớt nhưng thất bại nối tiếp thất bại, ngay ở "ao làng" SEA Games chứ chưa nói sân chơi lớn khác. Suốt 22 năm qua kể từ lần vào chung kết SEA Games 1995 và thua Thái Lan 0-4, kỳ nào Việt Nam cũng muốn "vàng", cũng đòi vượt mặt người Thái, đi cùng với mục tiêu là cả núi tiền đổ vào bóng đá nhưng rốt cuộc vẫn về tay không. Còn bóng đá nữ thì đa phần bị xem nhẹ, đầu tư ít ỏi (nay có cải thiện ở cấp đội tuyển) nhưng thành tích cao vợi.
SEA Games 29 này, tuyển nữ lập kỳ tích đoạt HCV, tổng thưởng từ tất cả các nguồn chỉ 4 tỉ đồng. Trước đó, các cô gái vàng còn đoạt vé chính thức dự vòng chung kết Giải Vô địch châu Á năm 2018.
Ông bà ta hay nói "ngứa trên đầu mà gãi dưới chân" (thì chẳng thể nào hết ngứa). Đấy cũng là quy luật mà thực tế đã chứng minh: Đầu tư không đúng chỗ luôn dẫn đến thất bại.