Tin địa phương

Người đứng đầu ngành Giáo dục bày tỏ tâm tư trước thềm năm học mới

Admin

Trước thềm năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Bùi Văn Kiệm mong muốn có sự đổi mạnh mẽ trong toàn ngành.

 Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã bày tỏ tâm tư trước thềm năm học mới.

Tại lễ tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Bùi Văn Kiệm đã bày tỏ tâm tư cũng như trăn trở trước những khó khăn, thách thức của ngành trong năm học mới.

Thành tích giáo dục vốn có, chưa mới mẻ

Theo ông Bùi Văn Kiệm, đã có rất nhiều nhân tố quyết định và ảnh hưởng đến tình hình và kết quả của giáo dục và đào tạo thành phố. Trong đó nhân tố đầu tiên phải kể đến là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự phối hợp. Đây được coi là sự phối hợp vô điều kiện của các ngành, các cấp, các đơn vị từ thành phố đến cơ sở đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của thành phố Hải Phòng.

Nhân tố thứ hai là sự nỗ lực khắc phục khó khăn, những thiếu thốn, những áp lực của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Nhân tố thứ ba chính là sự đồng thuận, tin tưởng mà nhân dân, cha mẹ học sinh toàn thành phố đã gửi gắm cho ngành giáo dục và đào tạo, cho các thầy, các cô.

Tại, hội nghị này, Giám sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng thẳng thắn chỉ rõ những cái được và chưa được của giáo dục và đào tạo Hải Phòng trong năm học vừa qua.

Về thành tích của giáo dục và đào tạo Hải Phòng trong năm học 2022-2023 thể hiện qua những chỉ số về quy mô, chất lượng giáo dục, đây cũng là vị thế mà Hải Phòng có từ nhiều thập kỷ nay. Thành tích đã đạt được là thành tích phải có, vốn có chứ không phải là mới mẻ, đơn cử như: Học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi quốc tế hay thứ hạng trong các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Chính vì vậy Giám đốc sở mong muốn, toàn ngành không quá vui mừng, thỏa mãn với những thành tích trên mà quên đi những điều cốt lõi của giáo dục và đào tạo.

"Những cái thiếu" mà ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng đang phải đối mặt

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng chỉ rõ cái thiếu đầu tiên là còn thiếu đất, thiếu kinh phí và thiếu người. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các quận, huyện vẫn luôn trăn trở, quan tâm nhưng do điều kiện, nguồn lực hiện nay chưa thể đáp ứng được.

Cái thiếu thứ hai chính là thiếu sự đồng đều, cân bằng giữa các khu vực, lĩnh vực trong giáo dục và đào tạo. Trong đó phải kể đến là có sự chênh lệch về chất lượng giáo dục và đào tạo giữa nội thành với ngoại thành, giữa các cấp học. Đơn cử như những khó khăn của ngành học giáo dục thường xuyên hiện nay đang là vấn đề đáng kêu cứu; còn có sự chênh lệch về điều kiện giữa giáo dục công lập và giáo dục tư thục.

Bên cạnh đó, giáo dục thành phố còn thiếu những mô hình trường học, lớp học hiện đại, chất lượng cao. Nói cách khác, độ mở của giáo dục Hải Phòng chưa đủ mạnh, nhất là còn thiếu những cơ sở giáo dục tư thục thực sự có chất lượng và đặc biệt chưa có trường quốc tế. Đây có thể coi là điều bất lợi đối với giáo dục Hải Phòng.

Cái thiếu tiếp theo là thiếu niềm tin của xã hội, của nhân dân đối với giáo dục và đào tạo; thiếu niềm tin ngay chính trong nội bộ ngành. Đâu đó trong nội bộ vẫn còn thiếu niềm tin vào cấp trên, niềm tin đối với nhau và niềm tin vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra sự mạnh mẽ trong đổi mới trong chính đội ngũ và trong chính nội bộ ngành chưa được phát huy cũng được coi là một cái thiếu. Vì vậy Giám đốc sở rất mong các hiệu trưởng hãy lưu ý đến vấn đề này.

Trước những khó khăn, thách thức như trên, để cùng khắc phục, vượt qua, bứt phá và ghi điểm cao ở năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Kiệm mong muốn các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường và các hiệu trưởng phải dám đổi mới, dám thay đổi và đặc biệt dám chuyển đổi.

Thực tế, quản lý ngành trong 2 năm vừa qua, điều quan ngại nhất chính là tình trạng không dám chuyển đổi. Để cải thiện tình trạng này, cần tránh làm việc ở trạng thái giữ an toàn và không dám chịu trách nhiệm trước hết ngay từ đội ngũ Hiệu trưởng.

Người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo cũng mong muốn cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đơn vị từ thành phố đến cơ sở quan tâm đến những kiến nghị, thiếu thốn của ngành giáo dục và đào tạo, sẽ có những hành động cụ thể hơn đối với giáo dục.

Tác giả: Tuệ Nhi

Nguồn tin: congdankhuyenhoc.vn