Du lịch

Nhảy bungee - từ trò điên rồ đến xu hướng toàn cầu

Lợi Trần

Xuất phát từ ý tưởng được cho là điên rồ, hiện bungee đã trở thành trải nghiệm mạo hiểm được yêu thích trên toàn thế giới.

Nhảy bungee là trò chơi mạo hiểm hàng đầu thế giới. Bạn sẽ leo lên một tháp cao, buộc dây đai quanh người rồi quăng mình xuống dưới mặt đất (hoặc mặt nước). Khi chỉ còn cách bề mặt tiếp xúc không xa, bạn sẽ được kéo lên. Trải nghiệm mạo hiểm này được phát triển thành hoạt động du lịch hấp dẫn ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhảy bungee ở Queensland, New Zealand. Ảnh: livextremely.

Cú nhảy thể hiện bản lĩnh đàn ông

Tiền thân của nhảy bungee xuất hiện trên đảo Pentecost, phía nam Thái Bình Dương. Theo dân gian, một người đàn ông địa phương tên Tamalie ngược đãi vợ mình khiến cô phải bỏ trốn. Cô leo lên cây cao ẩn nấp nhưng người chồng tìm thấy và đuổi theo.

Trong khi Tamalie loay hoay trèo lên cây, người vợ buộc dây leo quanh mắt cá chân, nhảy từ trên xuống rồi bỏ trốn. Tamalie nhảy theo và chết ngay tại chỗ. Cô gái vẫn sống nhờ dây leo buộc ở chân. Từ đó, đàn ông trong làng bắt đầu tập nhảy dây leo.

Họ dựng những tòa tháp cao 28 m để nhảy từ trên xuống. Đàn ông tiến hành tắm nghi lễ. Sau đó, người vợ được đưa lên tháp cao nghe những lời giáo huấn từ chồng trước khi anh ta thực hiện cú nhảy thể hiện bản lĩnh đàn ông. Hoạt động truyền thống đó vẫn được giữ đến ngày nay trên đảo. Năm 1955, các nước phương Tây biết đến nhảy bungee qua bài viết của Irving Electa trên tạp chí National Geographic.

Lịch sử của bungee hiện đại bắt đầu từ ngày 1/4/1979. Khi đó hai thành viên câu lạc bộ thể thao nguy hiểm Oxford là David Kirke và Simon Keeling thực hiện những cú nhảy đầu tiên từ Clifton cao 80 m ở Bristol, Anh. Hành động điên rồ này khiến họ bị bắt giữ vài ngày nhưng sau đó vẫn tiếp tục trò chơi mạo hiểm ở cầu Cổng Vàng và Royal Gorge, Mỹ. Lúc này, cả thế giới bắt đầu chú ý đến những ý tưởng bungee đầu tiên.

A.J.Hackett, người New Zealand đã phát triển bungee thành hoạt động thương mại đầu tiên. Ông thực hiện cú nhảy đầu tiên từ cầu Auclkland’s Greenhithe năm 1986. Trong suốt những năm sau đó, Hackett thực hiện nhiều pha bungee từ các cây cầu và một số công trình khác (bao gồm cả tháp Eiffel).

Năm 1989, ông khai trương sàn nhảy bungee thương mại đầu tiên tại cầu Kawarau Gorge gần Queenstown, đảo Nam New Zealand. Từ đó đến nay, bungee phát triển trên khắp các châu lục với nhiều loại hình khác nhau, thu hút không chỉ những người thích lập kỷ lục mà trở thành xu hướng của giới trẻ toàn cầu thích mạo hiểm. Cảm giác chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân, chinh phục độ cao là lý do khiến bungee ngày càng được yêu thích trên thế giới.

Bungee không chỉ là nhảy từ trên cao xuống

Hầu hết điểm nhảy bungee đều sử dụng cả dây đai chân để giữ toàn bộ trọng lượng cơ thể, dây đai toàn thân hoặc dây đai vai để khi kéo người chơi lên không gây khó chịu. Có nhiều hình thức nhảy bungee, thông thường là buộc dây vào chân, thả mình từ cao xuống, tận hưởng cảm giác không trọng lượng khi dây đai bật lại trong không trung. Bungee ngược xuất phát từ mặt đất, dây đai được kéo căng để du khách bắn lên không trung. Với bungee trampoline, người chơi được giữ ở giữa hai đầu dây lò xo kéo căng buộc vào hai đầu cột cao.

Bungee trampoline dành cho du khách chưa đủ can đảm thử bungee truyền thống. Ảnh: jumpking.

Những pha nhảy bungee thường được thực hiện từ các cây cầu, tòa nhà cao tầng, khinh khí cầu, trực thăng và cáp treo. Người tham gia hoạt động mạo hiểm này phải từ 10 tuổi trở lên. Nếu dưới 16 tuổi cần có sự cho phép của bố mẹ hoặc người giám hộ.

Giá thành cho một lần nhảy trung bình trên thế giới là 140 USD (khoảng gần 3 triệu đồng).

Danh sách 10 địa điểm nhảy bungee cao nhất thế giới theo bình chọn của CNN:

Cầu Royal Gorge, Colorado, Mỹ: 32 1m

Tháp Macao, Ma Cao, Trung Quốc: 233 m

Đập Verzasca, Ticino, Thụy Sĩ: 220 m

Cầu Bloukrans, Western Cape, Nam Phi: 216 m

Cầu Europabrucke, Innsbruck, Áo: 192 m

Cầu Niouc Bridge, Val d’Anniviers, Thụy Sĩ: 190 m

Altopiano di Asiago, Vicenza, Italy: 175 m

Đập Kolnbrein, Carinthia, Áo: 169 m

Đập Vidraru, Curtea de Arges, Romania: 166 m

The Last Resorst, sông Bhote Kosi, Nepal: 16 m

Tai nạn khi nhảy bungee

Khi tham gia trò chơi mạo hiểm, dù các công ty cung cấp dịch vụ luôn cố gắng cam kết tối thiểu hóa rủi ro nhưng không có nghĩa nhảy bungee an toàn tuyệt đối. Nhiều trường hợp tai nạn đã được ghi nhận. Riêng trong năm 2015 có 3 trường hợp nhảy bungee tử vong. 

Ngày 25/5, du khách xấu số Abdullah Adel Kadhmbadman thực hiện thành công cú nhảy đầu tiên nhưng khi tung người trở lại, dây đai ở cổ chân tung ra khiến anh ngã xuống từ độ cao 61 m dẫn tới tử vong. 

Ngày 27/6, một nạn nhân nữ 28 tuổi thiệt mạng sau cú nhảy bungee từ cần trục Audincthun, miền bắc nước Pháp.

Ngày 22/7, Kleyo de Abreu Atwell 23 tuổi người Anh tử nạn sau khi nhảy bungee ở Tây Ban Nha do dây đai quá dài so với khoảng cách của cây cần cẩu phía trên và cây cầu La Mã cổ đại bên dưới.

Tác giả bài viết: Như Bình