Tin địa phương

Nhiệt điện Hải Phòng trước áp lực giá nhiên liệu tăng cao

Admin

Giá nhiên liệu đầu vào liên tục tăng cao và sự cạnh tranh gia tăng từ các nguồn năng lượng tái tạo khiến hoạt động của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (Nhiệt điện Hải Phòng) chịu nhiều áp lực.

 

Áp lực khi giá nhiên liệu tăng cao

Năm 2021 được đánh giá là năm nhiều khó khăn với các doanh nghiệp nhiệt điện nói chung, Nhiệt điện Hải Phòng nói riêng, trong bối cảnh tiêu thụ điện cả nước ở mức thấp, trong khi giá than tăng cao.

Cụ thể, kết thúc năm 2021, báo cáo tài chính của Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, doanh thu thuần đạt 9.026,4 tỷ đồng, giảm 17,2% so với năm 2021. Biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp xuống 7,1%, giảm 10,4 điểm phần trăm so với năm 2020, khiến lợi nhuận gộp thu chỉ đạt 643,7 tỷ đồng, giảm đến 2/3 so với năm 2020.

Mặc dù hoạt động tài chính của Công ty tích cực hơn nhờ diễn biến tỷ giá đồng tiền vay nợ (chủ yếu là USD) so với VND thuận lợi, trong khi chi phí lãi vay giảm mạnh, nhưng sự sụt giảm của hoạt động kinh doanh chính vẫn khiến lợi nhuận sau thuế cả năm của Nhiệt điện Hải Phòng giảm tới 69,9% so với năm 2020.

Bước sang năm 2022, sản lượng điện được huy động của Nhiệt điện Hải Phòng được dự báo tăng trở lại, nhờ tiêu thụ điện phục hồi theo tiến độ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Tuy vậy, hoạt động kinh doanh của Nhiệt điện Hải Phòng cũng phải đối mặt nhiều thách thức.

Cụ thể, về chi phí nhiên liệu đầu vào, sau khi tăng mạnh trong năm 2021, giá than năm nay tiếp tục xu hướng tăng, trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu tăng cao do những căng thẳng địa chính trị.

Về giá bán, năm 2021, giá bán điện cố định của Nhà máy số 1 của Nhiệt điện Hải Phòng đã hết thời hạn 10 năm áp dụng mức giá profile (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN tạo điều kiện cho nhà máy điện bằng cách nâng giá cố định lên cao để các nhà máy điện có đủ dòng tiền thanh toán nợ vay).

Thêm vào đó, sản lượng huy động từ các nhà máy nhiệt điện cũng chịu thêm áp lực cạnh tranh từ các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió được phát triển mạnh thời gian qua.

Giảm nợ vay và khấu hao kỳ vọng hỗ trợ lợi nhuận

Nhiệt điện Hải Phòng hiện đang vận hành 2 nhà máy nhiệt điện than với 4 tổ máy, tổng công suất lắp đặt là 1.200 MW. Các tổ máy 1 và 2 của nhà máy số 1 (HP1) được đưa vào hoạt động từ năm 2011 và các tổ máy 3 và 4 của Nhà máy số 2 (HP2) đưa vào hoạt động từ năm 2014, mỗi năm cung cấp khoảng 7-7,5 tỷ kWh cho lưới điện quốc gia.

Do đặc thù nhà máy nhiệt điện cần chi phí đầu tư lớn, những năm trước đây, tỷ lệ nợ vay trong cấu trúc nguồn vốn của Nhiệt điện Hải Phòng ở mức cao, việc vay bằng ngoại tệ (chủ yếu bằng USD) cũng khiến Công ty chịu thêm chi phí khi tỷ giá tăng qua các năm, chi phí tài chính (lãi vay, tỷ giá) thường xuyên bào mòn đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, áp lực trả nợ cao (1.300-2.000 tỷ đồng/năm) cũng khiến công ty gặp khó khăn trong việc tăng tích lũy dòng tiền.

Tuy vậy, chi phí lãi vay và rủi ro tỷ giá sẽ từng bước được cải thiện theo tiến độ trả nợ, thời gian trả nợ đang đi vào giai đoạn cuối, nên kỳ vọng Công ty sớm gia tăng dòng tiền tích lũy cũng như sớm đảo chiều hiệu quả hoạt động tài chính, qua đó hỗ trợ lợi nhuận.

Tính đến cuối năm 2021, tổng nợ vay của Nhiệt điện Hải Phòng là 1.957,3 tỷ đồng, giảm 1.471,8 tỷ đồng so với đầu năm. Việc giảm nợ vay giúp chi phí lãi vay trong năm 2021 giảm còn 153,1 tỷ đồng, giảm 42,9% so với năm 2020. Bên cạnh tác động tích cực từ giảm chi phí lãi vay, kết quả kinh doanh của Công ty còn được kỳ vọng hỗ trợ từ chi phí khấu hao giảm, trong đó, riêng Nhà máy số 1 đã giảm 50% chi phí khấu hao từ năm 2022.

Tác giả: Khắc Lâm

Nguồn tin: Báo Đầu tư