Giáo dục

Những "bông hoa" tiêu biểu của nghề cầm phấn

Cao Hiếu

Mặc dù bận rộn, nhưng ngoài giờ lên lớp, các thầy cô vẫn nỗ lực nghiên cứu, tìm ra những sáng kiến mới để nâng cao chất lượng học tập.

Ngày 20/11 hằng năm là dịp cả nước gửi lời tri ân, cảm ơn đến đội ngũ các nhà giáo. Các thầy cô, với những cống hiến thầm lặng của mình, dù bằng những hình thức nào những vẫn chung một mong muốn tạo ra những giá trị tri thức tốt đẹp nhất cho học sinh và giáo dục nước nhà.

Như thông lệ năm nay, đã có hơn 200 nhà giáo tiêu biểu trên cả nước, được tôn vinh vì những sáng kiến, đóng góp của họ.

Xây dựng những bữa ăn dinh dưỡng đến học sinh
Sinh ra và lớn lên tại Thái Nguyên, cô giáo Hoàng Thị Huyền Trang lại quyết định lên chọn tỉnh Cao Bằng là nơi thực hiện đam mê dạy học của mình. Hiện, cô Trang là Hiệu trưởng Trường Mầm non Bế Triều (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng).

Cô cho biết khi mới nhận nhiệm vụ, trường mầm non nơi cô công tác chưa tổ chức bán trú cho trẻ, dù cả khối chỉ có 30 em. Ngay tại thời điểm hiện tại, hoạt động ăn trưa vẫn do các thầy cô kiêm nhiệm, sáng dạy học, trưa lại cho các em ăn. Nhân viên nấu cơm cũng là những bà con tại địa phương, chính vì vậy, khẩu phần ăn của học sinh khó đảm bảo đủ dưỡng chất, số lượng theo đúng quy định.

Chuyển đổi số giáo dục vẫn cần người thầy dẫn dắt
"Lúc mới nhận lớp, tôi đã mạnh dạn đề xuất được tổ chức bán trú cho các con. Lãnh đạo đồng ý, nhưng yêu cầu phải tính được khẩu phần ăn. Thời điểm đó, tôi cũng không hiểu một bữa ăn các em phải có những gì. Tham khảo các đồng nghiệp, thì thầy cô mới chỉ tính toán rất đơn giản, phải ghi ra sổ sách, gạch xóa nhiều, rất mất thời gian và không chính xác", cô Hoàng Thị Huyền chia sẽ về động lực xây dựng khẩu phần ăn cho trẻ.

Cô giáo Hoàng Thị Huyền Trang với sáng kiến tính khẩu phần ăn bán trú cho học sinh.

Bắt tay vào tính toán, cô giáo miền xuôi không chọn các ứng dụng hiện đại, cần có mạng internet. Thay vào đó, vị giáo viên này thực hiện trên phần mềm Excel, công cụ đơn giản, quen thuộc hơn, dễ dàng cho các thầy cô sử dụng ở các điểm trường xa xôi.

Phải nghiên cứu các công thức sao cho, mỗi buổi chỉ cần nhập số lượng suất ăn, loại thực phẩm, số tiền,…là bảng tính của cô Huyền sẽ cho ra kết quả, kèm theo những lời khuyên điều chỉnh thực đơn phù hợp cho ngày hôm nó.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Bế Triều cho hay: "Khó nhất khi xây dựng làm sao mình phải biết được một ngày trẻ cần phải đảm bảo những nhóm chất gì, số lượng bao nhiêu. Sau nhiều lần thử nghiệm, ứng dụng, may mắn hiện các công thức của tôi được sử dụng rộng rãi và các thầy cô đón nhận bởi sự tiện lợi, dễ hiểu, tiết kiệm công sức".

Cách tính khẩu phần ăn của cô giáo, không chỉ giúp hỗ trợ đội ngũ giáo viên, mà còn tạo ra những bữa ăn dinh dưỡng, đủ chất, ngon miệng đến cho các em học sinh vùng cao.

Cô Đặng Thị Huệ - Giáo viên Trường THCS Mộc Ly (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La).


Câu lạc bộ kỹ năng sống của cô giáo Âm nhạc

Cô Đặng Thị Huệ - Giáo viên Trường THCS Mộc Ly (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) mặc dù là giáo viên bộ môn Âm nhạc, nhưng cô lại có niềm đam mê với công tác đoàn, đội và phong trào thiếu nhi. Bởi cô Huệ cho rằng, các phong trào dành cho các em tại địa bàn cô giảng dạy còn ít, không được phong phú như những thành phố lớn.

"Tôi rất quan tâm đến việc rèn luyện các kỹ năng cho học sinh, cá nhân tôi đã tổ chức các buổi tuyên truyền, để các em hiểu về sự chia sẻ trong cuộc sống. Cùng với đó, lồng ghép các chương trình về chống bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường. Thông qua các buổi học sao cho có thể trang bị những lưu ý cần thiết, cách bảo vệ bản thân, dạy các em từ lời ăn, tiếng nói, thậm chí là sử dụng mạng xã hội đúng lứa tuổi", cô Đặng Thị Huệ chia sẻ.

Ngoài các buổi sinh hoạt, mô hình câu lạc bộ Mỹ thuật, tiếng Anh cũng được ra đời nhờ tâm huyết của vị giáo viên. Chính các em học sinh thông qua các bức tranh vẽ hay ngôn ngữ trong sáng, giản dị, đầy sắc màu của mình có thể giúp cổ động cho những hành động đẹp, nên làm khi đến trường.

PGS.TS Trần Mạnh Trí – Trưởng bộ môn Hóa học hữu cơ, Trường Đại học Khoa học tự nhiên.

Thầy giáo truyền lửa cho nghiên cứu khoa học

Ở khối đại học, ngoài là nhà giáo tiêu biểu, PGS.TS Trần Mạnh Trí – Trưởng bộ môn Hóa học hữu cơ, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, cũng là nhà giáo nhận được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 vì những đóng góp cho nghiên cứu khoa học.

Thầy Trí là tác giả của cụm 3 công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen - góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp. Đến thời điểm này, PGS.TS Trần Mạnh Trí là nhà khoa học ngành Hóa học đã công bố hơn 40 công trình chuyên ngành đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Nỗi trăn trở lớn nhất của người thầy này, đó là, ngành nghiên cứu khoa học cơ bản hiện vẫn chưa được xã hội và sinh viên quan tâm đúng mức, dù đây là lĩnh vực vô cùng quan trọng, nền móng cho phát triển đất nước.

"Trong mỗi bài giảng tôi luôn hiểu được ngoài trách nhiệm truyền tải kiến thức, tôi phải tạo được động lực, lòng yêu nghề, yêu ngành cho các em. Phải để cho sinh viên hiểu được rằng làm khoa học phải kiên trì, đi đến tận cùng của vấn đề, giải quyết các câu hỏi của cuộc sống", ông Trần Mạnh Trí nhấn mạnh.