Việc 2 tử tù Lê Văn Thọ (biệt danh Thọ "sứt"), Nguyễn Văn Tình đào tẩu một cách ngoạn mục khỏi nơi giam giữ kiên cố T16 của Bộ Công An vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ nhưng đã gợi sự tò mò lẫn hoài nghi của dư luận. Nhiều người còn liên tưởng đến bộ phim nổi tiếng Prison Break (Vượt ngục).
Và quả thực, thế giới ở nơi con người bị hạn chế quyền tự do quả nhiên có nhiều điều mà người ở ngoài không thể hình dung được. Ở nơi đó có những kỹ nghệ, những “phát minh” không tưởng, những vật dụng tưởng bỏ đi nhưng khi lọt vào tay tội phạm lại được biến hóa khôn lường.
Từ lưỡi dao lam ở khám Chí Hòa
Kể từ sau năm 1975 đến nay, trong lịch sử khám Chí Hòa ghi nhận một trường hợp vượt ngục kinh điển nhất từ trước đến nay. Đó là tử tù Nguyễn Hữu Thành có biệt danh là Phước “tám ngón”. Phước “tám ngón” bị kết án tử hình về các hành vi tội ác man rợ và bị biệt giam tại khám Chí Hòa.
Đây là một nơi giam giữ được đánh giá là kiên cố, nghiêm ngặt nhất. Nhưng với những vật dụng đơn sơ: lưỡi lam, bánh xe bật lửa… Phước “tám ngón” đã đào thoát thành công khỏi khám Chí Hòa.
Phước "tám ngón"- chủ nhân vụ vượt ngục có một không hai thoát khỏi khám Chí Hòa. (ảnh: TL) |
Sau khi bị Tòa sơ thẩm TAND TP HCM kết án tử hình, cũng giống như các tử tù khác ở tất cả các trại giam, Phước “tám ngón” bị đưa vào xà lim dành riêng cho tử tù. Phước “tám ngón” bị đưa vào buồng giam số 15 tầng 1 khu giam AB khám Chí Hòa. Trong xà lim, Phước bị còng 1 chân bằng cùm sắt phi 10, hình chữ U.
Khám Chí Hòa được người Pháp xây từ năm 1943. Tổng thể kiến trúc khu trại là một hình bát giác, tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh Dịch. Mỗi cạnh của trận đồ ấy đều được xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt. Mỗi khu có 4 buồng giam.
Trong thời gian 8 tháng chờ án phúc thẩm, Phước “tám ngón” nung nấu ý định vượt ngục. Hắn âm thầm chuẩn bị công cụ, phương tiện, mưu kế cho cuộc vượt ngục này. Giữa tháng 2/1995, đang nằm trong buồng giam, Phước “tám ngón” thấy phạm nhân Nguyễn Văn Minh đi ngang qua phòng giam.
Phước xin Minh một lưỡi dao lam để… để cạo râu, xin bật lửa gas để… hút thuốc. Phước bẻ đôi lưỡi dao theo chiều dọc rồi nhét cẩn thận vào lỗ trên vách tường rồi dùng giấy báo dán kín bên ngoài để cất giấu.
Phước còn tìm thấy một vòng sắt trên khung cửa nhà vệ sinh, lợi dụng lúc vắng người, Phước tháo lấy vòng sắt tròn này, sau đó đưa vào cùm sắt để uốn cho thẳng lại. Có đoạn sắt, Phước tỉ mẩn mài nhọn thành một cây dùi rồi lại đem giấu vào lỗ hổng của vách tường trong phòng giam. Có công cụ trong tay, Phước tỏ ra ngoan ngoãn, thuần phục.
Đêm 21/3/1995, Phước bắt tay vào cưa cùm. Với lưỡi dao lam, Phước gập mình, thóp bụng, nhẫn nại cưa chiếc cùm sắt nặng từng chút một. Lưỡi dao lam rất mỏng, tiếng cưa rất nhỏ nên không ai phát hiện được.
Khám Chí Hòa nhìn từ trên cao. |
Để che đậy, Phước dùng vải quấn xung quanh vết cưa rồi dùng bật lửa đốt nhựa chảy phủ kín lên trên vết cắt của chiếc cùm nhằm đánh lừa quản giáo. Trong một lần đi vệ sinh ở phòng biệt giam, Phước phát hiện thấy vách tường nhà vệ sinh đã bị mục và Phước đã âm mưu khoét tường để tẩu thoát từ chính vách tường đó.
Khoảng 21h ngày 26/3/1995, là quãng thời gian các phạm nhân đã đi ngủ, trại vắng vẻ, Phước tháo cùm, chui vào nhà vệ sinh. Hắn dùng chiếc dùi sắt khoét vách tường tạo thành một lỗ hổng vừa đủ lọt người qua và tẩu thoát thành công.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Nguyễn Văn Thân, tức Thân "rau muống" và Nguyễn Hải Nam, tức Nam "cu chính" đã thực hiện vụ vượt ngục rúng động hơn 10 năm trước tại trại tạm giam Hỏa Lò (Hà Nội).
Trong khi chờ thi hành án tử tại trại, Thân “rau muống” nung nấu ý định vượt ngục. Các đối tượng này sử dụng dao cạo râu, bánh xe bật lửa... được cất giấu trong các đồ tiếp tế từ bên ngoài vào và trong vòng 3 tháng đã tỉ mẩn cưa, mài cùm mà có thể rút chân ra được; cưa được 1 lỗ ở cửa thông gió vừa đủ 1 người chui và cưa 2 song sắt ở cửa sổ tường rào buồng giam.
Các tử tù này chuẩn bị dây thừng được tết lại từ các túi nilong trong những lần tiếp tế lương thực, sắt chữ T khi cưa từ các lỗ thông gió và chăn màn được phát trong buồng giam. Và chính nhưng vật dụng sinh hoạt này giúp các tử tù vừa thoát ra được khỏi buồng biệt giam thì quăng lên hàng rào tường giam để leo trèo như lính đặc nhiệm, thoát ra ngoài.
Rạng sáng 28/10/2001, trong đêm mưa to, gió mùa Đông Bắc tràn về, 2 tử tù đã "bốc hơi" ngoạn mục.
Văn Kính Dương - ông trùm trong đường dây thuốc lắc vừa bị triệt phá cũng cùng các đối tượng khác lợi dụng sơ hở của quản giáo đưa cưa sắt vào trong trại và cưa đứt chấn song tẩu thoát khỏi trại tạm giam Cầu Cao thuộc quản lý của Công an tỉnh Thanh Hóa.
"Đi xe", giải quyết nhu cầu bằng... hoa quả
Những câu chuyện không tin nổi ngoài đời thực vẫn diễn ra trong thế giới người tù là có thật. Tôi đã đi nhiều trại giam nghe lời kể của các cán bộ làm công tác quản lý nơi giam giữ, nghe lời tâm sự thật của nhiều người đã từng vướng vòng lao lý thì những câu chuyện mà họ kể khiến đầu óc có giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng phải trố mắt mà ngạc nhiên. Đó là chuyện đưa vật dụng vào phòng giam ở thế giới của các tù nhân nữ.
Hai đối tượng vượt ngục thành công khỏi Hỏa Lò, Hà Nội. |
Theo lời kể của những người đã từng thụ án thì ở nơi giam giữ lâu ngày nhiều nữ tù có nhu cầu sinh lý rất cao. Để giải quyết nhu cầu sinh lý, họ tìm cách cất giấu, biến hoa quả thành công cụ hữu hiệu giải tỏa nhu cầu bản ngã trong nhà vệ sinh. Chỗ giấu đồ an toàn và khó phát hiện nhất là ở chỗ nhạy cảm nhất của họ.
Trò "đi xe" là cách thức giao lưu hữu hiệu giữa các phạm nhân ở cùng dãy nhưng khác phòng trong trại. Họ kết một cái dây dài. Chất liệu là vải, được xé ở gối, quần áo, chăn, màn... hoặc bất cứ thứ gì có thể (do họ giấu được mang vào trong phòng), rồi kết lại với nhau thành cuộn.
Kết dây xong, họ cuộn lại, luồn vào thanh sắt ở ô cửa chính, ném sang phòng bên cạnh. Phòng bên cũng luồn dây vào thanh sắt, có nhu cầu "giao lưu" gì, buộc vào dây, rồi kéo. Nó như cái ròng rọc chạy đi chạy lại quanh những mối buộc đó. Gọi là trò "đi xe". Trò này, "giúp" phạm nhân, bị can "giao lưu" đồ ăn, đồ uống, thậm chí là điếu thuốc lá, hoa quả, giấy bút; mượn nhau cái bàn chải, tuýp thuốc đánh răng...
Những chiêu chỉ có trong thế giới người tù
Các quản giáo còn kể với phóng viên rằng người bị giam còn có cách trộm gà rất “độc”. Gà là vật được nuôi khá nhiều trong trại. Người bị giam bớt một phần rất ít cơm trong khẩu phần ăn hàng bữa, vãi ra trước cửa phòng, cho gà ăn. Gà thấy thức ăn thường xuyên nên cứ đến giờ lại rủ nhau đến cửa các phòng giam tìm, chờ mồi. Lúc đó họ mới ra tay trộm.
Họ rắc thức ăn cho gà ở những vị trí dễ quan sát, dễ hành động như gần tường, gần cột... gà muốn mổ thức ăn thì phải đi qua dây thòng lọng. Dây thòng lọng này được thả từ trên mái nhà xuống, khi gà đã vào trong thòng lọng, bị can kéo dây thít chặt vào cổ, chân gà rồi kéo lên, cho vào buồng giam rồi giết thịt...
Trao đổi với phóng viên, một cán bộ quản giáo trại giam (đã nghỉ hưu) cho biết trong thời gian công tác, quản lý phạm ông luôn luôn cảnh giác với các chiêu trò tinh vi của phạm nhân như họ có thể nhét điện thoại vào trong hộp sữa nước; cho vào trong quả dưa; hộp bánh.
Thậm chí, họ còn nhét bật lửa, viên đá lửa, mẩu dây đồng, mẩu sắt nhọn... bé tí ti vào trong cái bánh trứng, bánh ChocoPie... mang vào buồng giam phục vụ cho những mục đích riêng, không tốt của mình. Dây đồng là để xăm hình; bật lửa, đá lửa là để nấu thức ăn ăn trộm được; để lấy lửa hơ vào còng; lấy mẩu sắt nhọn cưa, lấy muối hoặc nước mắm đổ vào còng sắt để còng nhanh bị hoen rỉ, dễ cưa...
Thậm chí họ có thể đưa ma túy vào trong trại bằng cách giấu vào trong vỏ bao cao su rồi lấy bao thuốc lá cắt ngắn những điếu thuốc, nhét vỏ bao cao su dưới đáy bao thuốc xong xếp các điếu thuốc lại như cũ rồi tuồn vào trại giam.
Nhưng dù mưu mô thế nào, dù đào thoát đi đâu, cuối cùng họ cũng "ra đi để trở về", như tử tù "nổi tiếng" gần đây là Thọ sứt, để trả giá cho tội lỗi đã phạm phải.