Giáo dục

Những ngành học được miễn học phí từ năm 2024

Cao Hiếu

Ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định 97).

Theo đó, Nghị định số 97/2023/NĐ-CP điều chỉnh lộ trình học phí như sau:

- Giữ ổn định học phí từ năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022.

- Lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 01 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (tức là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81) để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.

- Các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP tiếp tục được giữ nguyên để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và có điều kiện khó khăn.


Nhiều ngành được miễn giảm học phí nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên. Ảnh minh họa.

Theo đó, Chính phủ quy định về chính sách miễn giảm học phí, những ngành, chuyên ngành được miễn 100% học phí bao gồm: chuyên ngành Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của nhà nước.

Luật khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 (thay thế cho luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009), có quy định thêm 2 ngành được nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học là truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu với điều kiện người học phải có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của nhà nước.

Đối với sinh viên các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu ở cơ sở đào tạo tư nhân, nhà nước cũng sẽ hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên chuyên ngành trên trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định về học bổng khuyến khích học tập.

Ngành được giảm 70% học phí, theo quy định hiện hành, nhà nước giảm 70% học phí cho học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo về văn hóa-nghệ thuật bao gồm: nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Ngoài ra, giảm 70% học phí cho học sinh, sinh viên CĐ, trung cấp các chuyên ngành xiếc, nhã nhạc cung đình…; một số ngành nghề nặng nhọc độc hại nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB-XH quy định. Chẳng hạn các ngành sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, hàn, lắp đặt giàn khoan, khoan thăm dò địa chất, khoan nổ mìn, kỹ thuật lò hơi, lặn thi công, trục vớt, an toàn phóng xạ…

Ngoài chính sách của Chính phủ, nhằm thu hút học sinh, sinh viên, nhiều cơ sở giáo dục cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ học phí như: Từ năm học 2022-2023, ĐH Quốc gia TP.HCM hỗ trợ 35% học phí cho một số ngành tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn như triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin thư viện, lưu trữ học...

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian tới sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tổng thể, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 81/2021/NĐ-CP để xác định lộ trình học phí phù hợp, đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII và quy định về tự chủ tài chính. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đảm bảo chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; chính sách phổ cập giáo dục, phân luồng ở cấp phổ thông