Xã hội

Những trường hợp nào về Thanh Hoá ăn Tết phải thực hiện cách ly?

Admin

Không phải bất kỳ ai đang sinh sống ở các tỉnh, thành phố khác về Thanh Hoá đều phải thực hiện cách ly phòng, chống dịch COVID-19. Đây là khẳng định của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá trước lo lắng, thắc mắc của nhiều người.

Cụ thể, nhận định hiện nay của cơ quan chức năng là, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, đặc biệt là các ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội… Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu người lao động từ nước ngoài và các tỉnh trở về Thanh Hóa rất lớn, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh là rất cao.

Nhiều người dân quan tâm đến việc cách ly y tế, cách ly tập trung hay cách ly tại nhà đối với người trở về Thanh Hoá. Về việc này, Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thanh Hoá cho biết: Thanh Hóa sẽ tổ chức cách ly tập trung với các trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19 (F1); các trường hợp liên quan đến các mốc dịch tễ do Bộ Y tế công bố; các trường hợp có tiền sử đến, ở, về từ các ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam do Bộ Y tế công bố.

 Thực hiện xét nghiệm các mẫu nghi ngờ mắc COVID-19

Tổ chức cách ly tại nhà, nơi lưu trú đối với người tiếp xúc với F1 (F2), người tiếp xúc gần với ca nghi ngờ mắc COVID-19 (đang đợi xét nghiệm). Các trường hợp trở về từ các địa phương có ghi nhận ca bệnh nhưng không thuộc các trường hợp phải cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú thì áp dụng các biện pháp giám sát y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, tính đến chiều 4/2, Thanh Hoá đã giám sát 16.250 người về từ vùng dịch, trong đó ghi nhận 14 người là F1 và 530 người là F2. Dự kiến trong những ngày tới, rất có thể số lượng F1 và F2 tăng lên.

Ngày 3/2, để chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự vào cuộc của mọi người dân.

Theo đó, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo tăng cường hoạt động của Tổ giám sát các cấp, nhất là Tổ giám sát thôn, bản, khu phố đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng, đặc biệt là đối tượng đi từ nước ngoài, tỉnh ngoài, ngoài tỉnh về địa phương để có biện pháp giám sát, phân luồng, cách ly theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không để sót, lọt các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nhà hàng, khách sạn, các điểm tập trung đông người như: chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm tại địa phương, các điểm bán hoa, cây cảnh để kiểm soát chặt chẽ người từ các vùng dịch vào địa bàn; phun khử khuẩn ít nhất 02 lần trong ngày đối với phương tiện, hàng hóa, cây cảnh,… từ tỉnh ngoài vào.

Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan khẩn trương thành lập 04 chốt kiểm soát liên ngành tại Dốc Xây (Bỉm Sơn), Thạch Quảng (Thạch Thành), Bãi Trành (Như Xuân), Khe nước lạnh (Nghi Sơn) để hoạt động liên tục 24/24 giờ từ ngày 3/2/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Đối với các sự kiện tập trung đông người thực sự cần thiết: Từ 30 đến 100 người phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Trên 100 người phải báo cáo và được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy.

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: Báo Tiền phong