Giải trí

NSND Ngô Mạnh Lân qua đời, thọ 87 tuổi

Admin

Theo thông tin từ gia đình, chiều 15-9, NSND, đạo diễn, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã qua đời ở tuổi 87 trong sự tiếc thương của đồng nghiệp và người thân.

 NSND Ngô Mạnh Lân

NSND Ngô Mạnh Lân là một trong những nghệ sĩ đặt nền móng cho nền nghệ thuật chế tác phim hoạt hình Việt Nam. Ông sinh năm 1934 tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Năm 16 tuổi, ông tham gia khóa học đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách. Tốt nghiệp, ông vào quân đội, từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và có nhiều ký họa kháng chiến.

 NSND Ngô Mạnh Lân

Năm 1956, NSND Ngô Mạnh Lân được cử đi học khoa Đạo diễn hoạt hình tại Đại học Quốc gia Điện ảnh Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp năm 1962, ông trở về nước làm việc tại Xưởng phim Hoạt họa Búp bê Việt Nam, nay là Hãng phim hoạt hình Việt Nam.

Năm 1963, ông cho ra mắt bộ phim hoạt hình đầu tiên mang tên "Một ước mơ", tạo được tiếng vang lớn và được đánh giá là góp phần tạo nền tảng cho công tác sản xuất phim hoạt hình ở Việt Nam.

Các tác phẩm sau đó của NSND Ngô Mạnh Lân lập tức gây ấn tượng với công chúng và giành nhiều giải thưởng như: "Dế Mèn phiêu lưu ký", "Chuyện ông Gióng", "Trê cóc", "Con sáo biết nói", "Những chiếc áo ấm", "Thạch Sanh", "Rừng hoa", "Bộ đồ nghề nổi giận", "Bước ngoặt", "Phép lạ hồi sinh"... 

 Mối tình tuyệt đẹp của NSND Ngô Mạnh Lân và NSND Phan Ngọc Lan

NSND, đạo diễn, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã giành nhiều giải thưởng cao quý của điện ảnh như 3 giải Bông sen vàng, 4 giải Bông sen bạc, nhiều bằng khen của Ban giám khảo tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam. Ông còn giành một số giải thưởng quốc tế như Bồ nông Bạc tại Liên hoan phim Hoạt hình quốc tế ở Mamaia (Romania) năm 1966 cho phim "Mèo Con", giải Bồ câu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức (1970) cho phim "Chuyện ông Gióng"...

Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông đã sản xuất tổng cộng 17 bộ phim với vai trò đạo diễn, 5 phim giữ vai trò họa sĩ, ông là một trong những nghệ sĩ hàng đầu trong ngành điện ảnh hoạt hình Việt Nam. Ông từng giữ cương vị giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam, đồng thời tham gia nghiên cứu và giảng dạy về hoạt hình.

Ngoài công việc đạo diễn và họa sĩ, ông còn là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (1982). Ông đã sáng tác nhiều ký họa, tranh sơn dầu, hoạt hình, tranh cổ động, bìa tem, bìa sách, truyện tranh… Ông đã thực hiện hai cuộc triển lãm, lần đầu vào năm 1971 và lần thứ hai vào tháng 11-2006. Ngoài ra ông còn viết sách và đã xuất bản sách về Nghệ thuật hoạt hình tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, họa sĩ Ngô Mạnh Lân cũng đã giành nhiều giải thưởng, như 1 giải A triển lãm đồ họa - Hội nghệ sĩ tạo hình; 1 giải quốc gia về minh họa sách thiếu nhi; 2 giải nhất và 2 giải nhì về triển lãm áp phích).

 NSND Ngô Mạnh Lân và vợ - NSND Phan Ngọc Lan

Sự ra đi của ông để lại nhiều mất mát cho nền nghệ thuật hoạt hình Việt Nam. Nhà biên kịch Trần Ngọc Thanh - người đã từng song hành với họa sĩ Ngô Mạnh Lân trong nhiều bộ phim hoạt họa đã từng nói về người đồng nghiệp thân thiết của mình: "Như một người nông dân cần mẫn lao động trên vạt ruộng của mình, hằng ngày Ngô Mạnh Lân say sưa với những hình vẽ, những bảng màu không chỉ trong lĩnh vực phim hoạt hình, mà còn cả trong lĩnh vực đồ họa và anh đã gặt hái được những thành công không nhỏ trên lĩnh vực điện ảnh. Ông là tấm gương lao động nghệ thuật cần cù cho thế hệ nghệ sĩ trẻ".

Ông tốt nghiệp Phó Tiến sĩ Nghệ thuật năm 1984 tại Nga. Ông đã được trao tặng học hàm Phó Giáo sư (1991) và danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1997.

Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm: "Mèo con", "Chuyện ông Gióng", "Con sáo biết nói", "Những chiếc áo ấm" và "Trê cóc".

NSND, đạo diễn, họa sĩ Ngô Mạnh Lân là một trong số ít nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam có mặt trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô. Năm 2008, ông là một trong 11 nghệ sĩ điện ảnh được tôn vinh trong lễ kỷ niệm 55 năm thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Tác giả: Thanh Hiệp

Nguồn tin: Báo Người Lao động