Giáo dục

Nữ sinh trường chuyên tự vẫn nghi do bạo lực học đường, nhà trường nói gì?

Admin

Một nữ sinh trường THPT Chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử tại nhà riêng nghi do bị bạo lực học đường. Nguyên nhân sự việc đang được làm rõ.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một nữ sinh Trường THPT Chuyên Đại học Vinh tự tử do bị đánh, ngược đãi và áp đảo tâm lý kèm theo đó là clip học sinh đánh nhau.

Sự việc xuất phát từ một tài khoản tự nhận là người thân của nữ sinh chia sẻ: "Thương tiếc bao nhiêu, đứa trẻ mạnh mẽ, ngoan ngoãn... Cuối cùng lại bị tổn thương bởi xã hội và chính xác là bạo lực học đường. Tự bản thân gia đình nhận lỗi khi không nắm bắt được con/cháu mình đang rơi vào hoàn cảnh nghiêm trọng đến thế".

Người đăng tải bài viết cho biết, nữ sinh học giỏi nhất nhì lớp nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường", khi mẹ tìm hiểu thì biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý.

 Trường THPT chuyên Đại học Vinh, nơi nữ sinh N. theo học

Được biết, nạn nhân là em N.T.Y.N (SN 2007, học sinh lớp 10A15, Trường Chuyên Đại học Vinh). Em N. là con cả trong gia đình 3 chị em. Hôm xảy ra sự việc, bố mẹ nữ sinh không có ở nhà. Em của N. phát hiện chị gái ra chợ mua đoạn dây thừng. Về tới nhà, N. ôm hôn các em rồi lên tầng 3, khóa trái cửa, thắt cổ tự tử.

Liên quan đến sự việc, sáng 17/4, ông Nguyễn Hồng Soa - Trưởng Phòng Công tác Chính trị Học sinh - Sinh viên, Trường Đại học Vinh xác nhận em N.T.Y.N đã tử vong tại nhà riêng vào tối ngày 15/4.

“Trưa 16/4, gia đình em N. có thông cáo tổ chức lễ tang, nhà trường đã cử đại diện của ban giám hiệu cùng các thầy, cô giáo đến chia buồn, thăm hỏi gia đình, tiếp nhận thông tin ban đầu. Nhà trường rất sốc và đau buồn trước việc học sinh đang học ở trường tử vong. Nhà trường cũng đang làm việc với giáo viên chủ nhiệm và học sinh trong lớp để nắm rõ nguyên nhân sự việc”, ông Soa chia sẻ.

 Ông Nguyễn Hồng Soa - Trưởng Phòng Công tác Chính trị Học sinh - Sinh viên, Trường Đại học Vinh xác nhận thông tin em N. tự tử tại nhà riêng tối 15/4

Về đoạn video clip học sinh đánh nhau, ông Soa thông tin: “Sáng nay, trên mạng xã hội lan truyền clip học sinh đánh nhau. Chúng tôi đã mời giáo viên chủ nhiệm và 5 học sinh đại diện của lớp 10A15 lên làm việc. Bước đầu xác định sự việc không xảy ra trong khuôn viên của Trường ĐH Vinh. Thứ hai, em học sinh bị đánh không phải là học sinh của trường. Những em xuất hiện trong clip cũng không phải là học sinh lớp 10A15 hay của trường chuyên”.

Em N. là học sinh ngoan, học lực giỏi

Cô Đặng Việt Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15, trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết: “Sự việc xảy ra quá đột ngột, là một sự đau đớn, mất mát cho gia đình, nhà trường. Em N. là học sinh ngoan, có rất nhiều cố gắng trong học tập, đồng thời thực hiện tốt các nội quy của lớp và nhà trường. Kết quả học lực học kỳ I, em N. đạt loại giỏi, hạnh kiểm tốt”.

Cô Hà cho biết, ở lớp N. chơi thân với một nhóm bạn. Trước dịp 20/11 năm ngoái, N. và nhóm bạn này không chơi chung với nhau nữa. “Với tư cách là giáo viên chủ nhiệm, tôi có gặp riêng nhóm bạn này, tìm hiểu nguyên nhân thì chỉ nhận được lý do vì không hợp. Các em có một nhóm chat riêng, tôi không ở trong nhóm đó nên không nắm rõ sự tình”, cô Hà nói.

 Cô Đặng Việt Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15, trường THPT chuyên Đại học Vinh cho biết, em N. là học sinh ngoan, học lực giỏi

Theo giáo viên chủ nhiệm, khoảng cuối học kỳ 1, em N. có nhắn tin riêng cho cô hỏi về mẫu đơn xin chuyển lớp và hỏi nếu viết đơn thì nộp cho ai. Về lý do em N. muốn chuyển lớp thì cô Hà không nắm được.

“Thời gian qua, em N. thường xuyên nhắn tin xin nghỉ với lý do đau chân, đau đốt sống cổ. Khi thấy em nghỉ học nhiều quá, tôi đã gọi điện cho phụ huynh tìm hiểu. Tôi cũng đã gặp riêng và hỏi thăm nhiều lần”, cô Hà nói và cho biết từ ngày 4/2 tới khi xảy ra sự việc, N. đã xin nghỉ học 8 lần.

 Ông Phạm Xuân Chung – Hiệu trưởng trường THPT chuyên Đại học Vinh trả lời báo chí liên quan đến sự việc của em N.

Liên quan đến vấn đề em N. xin chuyển lớp, ông Phạm Xuân Chung – Hiệu trưởng trường THPT chuyên Đại học Vinh cho hay: “Giữa học kỳ 1, em N. có đến trực tiếp gặp tôi trao đổi việc chuyển lớp. Tôi cũng trả lời em rằng, vấn đề chuyển lớp trong chương trình mới này không phải muốn chuyển là chuyển ngay được. Vì nó liên quan đến các quy định của nhà trường. Khi xây dựng hệ chất lượng cao, chúng tôi có phân hóa các lớp với mức độ khác nhau”.

Ông Chung cho biết, nhà trường chưa nhận được thông tin gia đình xin chuyển lớp cho em N. Trong năm 2022, có 3 học sinh đề đạt nguyện vọng xin được chuyển lớp, trong đó có em N.

Năm học 2022-2023, trường THPT chuyên ĐH Vinh có gần 1.500 học sinh, trong đó lớp 10A15 có 27 học sinh.

Trước đó một tài khoản Facebook tự nhận là người thân của nữ sinh N.T.Y.N. đăng tải bài viết với nội dung: "Gia đình mất con, chúng tôi mất cháu. Thương tiếc bao nhiêu công lao dưỡng dục chăm bẵm. Đứa trẻ mạnh mẽ, ngoan ngoãn, xinh đẹp biết bao nhiêu, làm hết việc nhà cho mẹ, thương yêu các em và lấy chăm sóc gia đình làm niềm vui… Cuối cùng lại bị tổn thương bởi xã hội và chính xác là bạo lực học đường. Tự bản thân gia đình nhận lỗi khi không nắm bắt được con/cháu mình đang rơi vào hoàn cảnh nghiêm trọng đến thế".
Người đăng tải bài viết cho biết nữ sinh N.T.Y.N. học giỏi nhất nhì lớp, nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường", khi mẹ tìm hiểu thì biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý.

"Mẹ có tìm đến trường để xin chuyển lớp cho con, tìm đến cô chủ nhiệm để xin được can thiệp. Trường không cho chuyển lớp nhưng nhận được các lời hứa sẽ tìm hiểu và xử lý nghiêm. Nên mẹ tạm yên tâm nghĩ con sẽ tự xử lý được vấn đề của con. Vẫn cố gắng đón đưa con đi học để tránh con bị bắt nạt, động viên con hàng ngày. Ai ngờ đâu con vẫn bị sống trong môi trường áp đảo ấy hàng tháng trời. Đỉnh điểm của mọi vấn đề, con đã lên cả kế hoạch mua dây thừng mới. Nhằm lúc bố mẹ vắng nhà, khóa trái cửa thắt cổ tự vẫn. Chết oan uổng ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Con hưởng dương 17 tuổi tròn. Con quá dại dột. Gia đình quá bất ngờ và đau đớn, cái giá phải trả là quá đắt", tài khoản Facebook viết.

Tác giả: Thu Hiền

Nguồn tin: Báo Tiền phong