Pháp luật

Nước mắt cha con bị cáo, bị hại trong phiên xử cuối năm

Admin

Bị cáo run rẩy chắp tay lại hướng về phía vợ con. Ở chiều ngược lại, bị hại - người con trai đến toà trên chiếc xe lăn nghẹn ngào với gọi bố.

 Bị cáo liên tục khóc suốt phiên xét xử

Phiên xử chiều cuối năm ấy đẫm nước mắt ngay từ lúc lực lượng công an dẫn giải bị cáo vào TAND TP Hà Nội. Bị cáo là người đàn ông gần 70 tuổi, dáng gầy nhỏ, ngong ngóng về phía vợ con.

Khi thấy bóng con trai cũng chính là bị hại của vụ án ngồi trên chiếc xe lăn, được vợ và con dâu của bị cáo đẩy vào toà, bị cáo vội chắp hai tay hướng về phía con trai như một lời xin lỗi, dòng nước mắt trào lăn trên khuôn mặt khắc khổ.

Ở chiều ngược lại, bị hại - người đàn ông ngồi trên xe lăn rướn người về phía trước, nghẹn ngào gọi bố.

Nhìn cảnh ấy, những người thân của bị hại và cũng là bị cáo đều trào nước mắt.

Vụ án éo le này đã được Báo Giao thông đăng tải trên bài viết: “Bi kịch cha già vào tù vì giết con bất hiếu”(ngày 7/11/2020). Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Đức (67 tuổi, quê ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) có 4 đứa con, và Nguyễn Văn Tú (SN 1979, trú cùng địa chỉ) là con thứ hai.

“Nước mắt chảy xuôi”, dù Tú ham chơi bời, cờ bạc, hay gây sự với bố mẹ, nhưng vợ chồng ông Đức vẫn chắt chiu, vay mượn, lo toan cho Tú. Ông Đức lo lấy vợ, xây cất nhà cửa, mua cho Tú chiếc xe 400 triệu để Tú đi học lái taxi. Nhưng với bản tính ham mê cờ bạc, Tú nhiều lần cắm xe ô tô và các tài sản trong nhà để bố và vợ phải đi chuộc.

Không những nghiện cờ bạc, chơi bời, Tú còn thường xuyên ngoại tình, gây sự, chửi đánh vợ. Những lần như thế, vợ chồng ông Đức có sang can ngăn, nhưng Tú còn chửi bới, đánh luôn cả bố mẹ. Có lần, bị Tú cầm xẻng, gậy đánh nên ông Đức phải chạy lên Công an xã Hồng Hà trình báo. Lần khác, Tú đấm mẹ tím mắt và cầm gậy tre vụt mẹ. Lần khác, ông Đức bị Tú dùng ghế gỗ đánh vào đầu phải khâu 8 mũi...

Đầu tháng 6/2020, Tú công khai dắt bạn gái về nhà và đuổi đánh vợ. Bị Tú đuổi đánh, khoảng 17h ngày 14/6/2020, người vợ gọi bố mẹ chồng đến cứu. Khi vợ chồng ông Đức sang nhà, Tú chửi bới rất hỗn láo, còn cầm ấm tích ở trên bàn thờ giơ lên định ném ông Đức. Tức giận, ông Đức xoay người vớ được cây gậy đinh ba ở gốc cây nhãn, chạy về phía Tú và đâm 2 nhát trúng cổ và mông, khiến Tú bị liệt, tỷ lệ thương tích 99%.

 

 Bị hại đến toà trên chiếc xe lăn

Tại phiên toà, ông Đức liên tục khóc, thi thoảng lại run rẩy đôi bàn tay chắp lại, đưa về hướng vợ, con. Ông thừa nhận, bao lần con trai đánh ông, đánh cả vợ ông thương tích, ông chưa bao giờ đề nghị công an xử lý. Vậy mà chỉ vì do không kiềm chế được bản thân, vì bao nhiêu dồn nén từ trước đến nay, vì thấy con dâu quá khổ, ông đã gây họa.

Tại toà, anh Tú cũng đã xin lỗi vì đối xử không tốt, có những lời nói, hành động hỗn hào với bố mẹ. Sự việc của ngày hôm nay, cha vào tù, con tàn tật khiến anh hối hận.

Đặc biệt, vợ, con cùng họ hàng của bị cáo đều nghẹn ngào đứng ra xin cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng. Họ cho rằng, hành vi đối xử không phải đạo của bị hại với bố mẹ và vợ con khiến ông Đức quá bức xúc để gây nên trọng tội.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo cũng chỉ ra nguyên nhân của vụ án xuất phát từ một phần lỗi của bị hại. Luật sư mong muốn toà nhìn nhận từ nhiều phía để có mức án thấp nhất cho thân chủ.

Xem xét các tài liệu, cùng với diễn biến vụ án, thẩm vấn, toà thấy Viện KSND Hà Nội truy tố bị cáo theo khoản 2 của tội Giết người là có căn cứ. Kết thúc phiên sơ thẩm, toà đã quyết định tuyên phạt bị cáo 7 năm 6 tháng tù giam.

“Xét thấy hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Văn Đức xuất phát từ lỗi của bị hại nên Viện Kiểm sát đã quyết định truy tố về tội giết người theo Khoản 2, Điều 123, Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù. Việc này thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, bởi hình phạt 7 năm 6 tháng tù đối với bị cáo dưới mức đề nghị của Đại diện Viện Kiểm sát từ 8 - 10 năm tù”, luật sư Thơm cho biết.

Qua vụ việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, thấy rằng các mâu thuẫn trong gia đình cần được xem xét giải quyết, đặc biệt là sự phối hợp giữa chính quyền địa phương để hoá giải các mâu thuẫn trong gia đình.

“Trong vụ việc này, ông bố đã nhiều lần lên trình báo đến cơ quan công an nhưng vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, bên phía công an lý giải do việc nội bộ của gia đình. Bởi vậy, cần có sự tham gia quyết liệt chính quyền địa phương để tìm hiểu mâu thuẫn trong gia đình, trong xã hội, từ đó có biện pháp hoà giải, răn đe, giáo dục phòng ngừa...”, luật sư Thơm nói.

Tác giả: Văn Huế

Nguồn tin: Báo Giao thông