Hình ảnh bãi thử hạt nhân Punggye-ri chụp ngày 7/5 cho thấy không có sự hiện diễn của phương tiện hay quân đội. Ảnh: 38North. |
Cheryl Rofer, một chuyên gia hóa học có 35 năm kinh nghiệm trong việc phá hủy, vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân và giám sát việc phá hủy vũ khí hóa học cho biết rất lấy làm tiếc khi Triều Tiên chỉ mời các nhà báo mà không mời các chuyên gia tới chứng kiến việc phá hủy bãi thử Punggye-ri, theo CNN.
"Tôi đã hy vọng các phóng viên có thể đưa tôi đi cùng", bà chia sẻ. Theo bà, các nhà báo Mỹ, Nga, Trung Quốc và Anh được mời đến nhưng chỉ có thể theo dõi sự kiện từ xa, họ thực sự không hiểu điều gì đang xảy ra bên trong các đường hầm ở bãi thử Punggye-ri.
Nhóm hơn 20 phóng viên quốc tế hôm qua đã lên đường tới Triều Tiên để theo dõi việc đóng cửa bãi thử hạt nhân từ ngày 23-25/5. Bình Nhưỡng nói rằng sự hiện diện của họ nhằm "đảm bảo tính minh bạch của việc đóng cửa bãi thử hạt nhân".
Bruce Bechtol, một giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Angelo, Mỹ, người viết nhiều cuốn sách về Triều Tiên, cho biết những bằng chứng có thể thu thập từ bãi thử này bây giờ sẽ hoàn toàn biến mất.
"Triều Tiên đã thực hiện tất cả các vụ thử nghiệm ở đây, vì vậy nếu họ để chuyên gia xem các đường hầm thì nhiều khả năng chúng tôi sẽ phát hiện ra điều gì đó", Bechtol nói.
Một số nhà quan sát nói rằng phần lớn bãi thử Punggye-ri đã không còn sử dụng được do thiệt hại sau 6 vụ thử nghiệm kể từ năm 2006, trong khi số khác nói rằng chỉ vài tháng trước, bãi thử này vẫn hoạt động. Theo Rofer, bất kể tình trạng hiện tại của bãi thử như thế nào, nếu các chuyên gia được tiếp cận, họ vẫn có thể thu thập được nhiều thứ. Những mẫu thu thập đó sẽ cung cấp thông tin về loại vũ khí đã được thử nghiệm.
Bãi thử Punggye-ri chụp từ Google Earth với chấm màu đỏ là nơi diễn ra vụ thử hạt nhân lần 6 và cũng là vụ thử nghiệm mạnh nhất của Triều Tiên. Ảnh: Google Earth. |
"Các phép đo đồng vị có thể nói cho bạn biết thiết kế của thiết bị, loại bom mà họ đã và đang chế tạo, bao nhiêu uranium và plutonium trong những quả bom", bà nói.
Các chuyên gia cho rằng, nếu nắm được những thông tin đó, các nhà đàm phán sẽ có lợi thế hơn khi thỏa thuận với Triều Tiên, để họ hiểu rằng có thực sự được Bình Nhưỡng nhượng bộ hay không.
Melissa Hanham, một cộng sự nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Không phổ biến Hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey, Mỹ, nói rằng một vụ phá hủy công khai như vậy khiến bà có cảm giác rất mơ hồ.
"Điều này gợi tôi nhớ đến Triều Tiên phá hủy tháp làm mát dưới thời chính quyền Bush. Khi đó, truyền thông cũng được mời đến giám sát việc cho nổ tháp, mang đến cái nhìn tốt đẹp mà chính quyền Bush và Triều Tiên thúc đẩy. Đó không phải là không thể đảo ngược bởi cuối cùng họ tìm ra cách khác để làm mát lò phản ứng", bà nói.
Năm 2008, Triều Tiên đã phá hủy tháp làm mát tại cơ sở chiết xuất plutonium để phát triển vũ khí hạt nhân. Trước đó, Triều Tiên tiết lộ đã sản xuất khoảng 40 kg plutonium làm giàu mà theo Bộ Ngoại giao Mỹ đủ để tạo ra khoảng 7 quả bom hạt nhân. Ngoài báo chí, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và các quan sát viên từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng được mời đến chứng kiến. Vụ nổ lớn tại cơ sở Yongbyon khi đó tượng trưng cho sự kết thúc chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đáp lại, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush tuyên bố dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt và xóa Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố.
Tuy nhiên, Triều Tiên sau đó đã xây dựng một cơ sở riêng biệt để tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch mà không tiết lộ cho các cơ quan quốc tế. Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước tài trợ khủng bố.
Cheon Seong-whun, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, Hàn Quốc, cho biết thế giới đang bỏ lỡ cơ hội khi cho phép Triều Tiên được đơn phương phá hủy bãi thử nghiệm mà không thanh sát trước.
"Đó là bằng chứng rất quan trọng giúp chúng tôi hiểu lịch sử chương trình hạt nhân của Triều Tiên và liệu Triều Tiên có thành ý từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không", ông nói. "Những gì họ cần làm là cung cấp toàn bộ thông tin và tài liệu cần thiết cho cộng đồng quốc tế, sau đó mời Liên Hợp Quốc thanh sát. Triều Tiên không được phép tự phá hủy bãi thử này, đây không phải điều cần làm".
Các vụ thử nghiệm hạt nhân từ năm 2006 đến 2016 của Triều Tiên. Đồ họa: CNN. |
Cheon, cựu quan chức làm việc tại Bộ Quốc phòng và Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên đang phá hủy bãi thử này để không cho chuyên gia quốc tế tiếp cận.
"Hành động tùy tiện của Triều Tiên đối với việc tự phá hủy bãi thử không phải một phần trong tuyên bố phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Nó chẳng khác gì việc phá hủy bằng chứng", ông nói.
Đối với những nhà quan sát Triều Tiên lâu năm, thời điểm Kim Jong-un phá hủy bãi thử hạt nhân trùng với thời điểm Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sang gặp Trump tại Nhà Trắng. "Hãy nhìn vào thời gian, đó không phải là trùng hợp ngẫu nhiên, rõ ràng Kim Jong-un muốn lợi dụng sự kiện này để tuyên truyền chính trị".
Rofer tin rằng ngay cả khi các phần của đường hầm bị thổi bay, chúng vẫn có thể được khai quật lại nếu Triều Tiên muốn tái sử dụng bãi thử nghiệm. "Rõ ràng cộng đồng quốc tế mới đang là bên phải nhượng bộ", bà nói.