Pháp luật

Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Lan Hương, Vũ Anh Tuấn lãnh án chung thân

Admin

Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên, bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền nhiều nhất vụ chuyến bay giải cứu, đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số 42,6 tỉ.

 Cựu thư ký Phạm Trung Kiên tại phiên tòa xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: NAM ANH

Ngoài bị cáo Phạm Trung Kiên, các bị cáo Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 27 tỉ đồng và Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng cùng bị tuyên án chung thân.

Trong phần tuyên án chiều nay (28-7), hội đồng xét xử nhận định bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) cùng một số người khác có hành vi đòi hỏi ra giá sách nhiễu, yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền mới cấp phép chuyến bay. Hội đồng xét xử cho rằng không cần thiết phải cách ly vĩnh viễn Phạm Trung Kiên ra khỏi đời sống. Nên tuyên mức án chung thân với bị cáo Kiên.

Các quan chức còn lại dù không đưa yêu cầu lợi ích cụ thể, không trực tiếp thỏa thuận với doanh nghiệp về chi phí cấp phép song đều gặp gỡ trao đổi, thống nhất sẽ tạo điều kiện doanh nghiệp.

Hơn ba lần hội đồng xét xử dùng từ các bị cáo nhận số tiền hối lộ "lớn, rất lớn, đặc biệt lớn" để đánh giá về hành vi của Phạm Trung Kiên và các cựu quan chức.

"Số tiền hối lộ đều đặc biệt lớn, có lần lên đến hàng tỉ đồng, hàng trăm USD, việc nhận diễn ra nhiều lần, thường xuyên liên tục. Số tiền lớn quá mức thu nhập bình quân công chức. Các bị cáo đều nhận thức được nếu làm theo yêu cầu doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ chi tiền cảm ơn", hội đồng xét xử nhấn mạnh.

Hội đồng xét xử nhận thấy mức hình phạt tử hình viện kiểm sát đề nghị là phù hợp với hành vi phạm tội của Phạm Trung Kiên.

Tuy nhiên tại tòa, Kiên thể hiện thái độ ăn năn hối cải. Tổng số tiền bị cáo đã trả lại và cùng gia đình khắc phục là hơn 42,2 tỉ đồng.

Trên cơ sở chính sách nhân đạo của pháp luật, hội đồng xét xử thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt loại bỏ vĩnh viễn bị cáo Phạm Trung Kiên khỏi đời sống xã hội mà mức án khác cũng đủ sức răn đe.

Trước đó, trong phần luận tội, viện kiểm sát đánh giá cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ với "thủ đoạn trắng trợn nhất" nên đề nghị mức án tử hình.

Phạm Trung Kiên là người duy nhất bị đề nghị mức án kịch khung trong nhóm tội nhận hối lộ. Kiên bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án này, với 253 lần, nhận tổng số tiền 42,6 tỉ.

Quá trình điều tra và xét xử vụ án, Phạm Trung Kiên đã trả lại tiền cho một số doanh nghiệp và cùng gia đình nộp tiền khắc phục, tổng 42,2 tỉ đồng.

Theo viện kiểm sát, ông Kiên được giao nhiệm vụ thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhưng đã lợi dụng chức vụ được giao, gây khó khăn cho các đại diện tham gia chuyến bay combo và chuyến bay giải cứu để các doanh nghiệp phải đưa tiền theo yêu cầu.

Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội, ông Kiên đã chuyển trả lại tiền cho một số người và nhờ họ khai báo số tiền đó là vay mượn cá nhân. Từ các nhận định trên, viện kiểm sát cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với cựu thư ký thứ trưởng.

Khi trả lời thẩm vấn và tự bào chữa, Kiên tiếp tục khẳng định mình "không thúc ép doanh nghiệp đưa tiền".

Phạm Trung Kiên nói mình day dứt xin nhận tội trước nhân dân, Đảng, Nhà nước và xin giảm nhẹ hình phạt vì mức án đề nghị tử hình "nghiệt ngã với cuộc đời bị cáo".

Ở phía buộc tội, nêu quan điểm đối đáp, viện kiểm sát nhận định hành vi của Phạm Trung Kiên cũng như các bị cáo làm mất đi ý nghĩa của chuyến bay giải cứu, gây bất bình trong nhân dân và "phản bội lại sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, nhân dân".

Viện kiểm sát khẳng định hành vi của ông Kiên là nhận hối lộ, "nhận 253 lần thì không thể nói là vô ý được" để phản bác quan điểm bào chữa cho rằng "bị cáo vô ý nhận hối lộ, không nhận thức hết hành vi của mình".

Tác giả: DANH TRỌNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ