Xã hội

Phó Chủ tịch xã nghèo sẽ về đâu khi hết dự án?

Lợi Trần

Không thể phủ nhận những đóng góp của trí thức trẻ khi được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND các xã khó khăn thuộc 3 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau 4 năm cắm bản, nhiều đội viên băn khoăn, lo lắng cho tương lai của mình… chưa biết đi đâu, về đâu khi thời hạn 5 năm của đề án sắp kết thúc!

Sau 4 năm nhận nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng, anh Vy Văn Điểm đã vận động người dân biến 6ha đất trống thành những khu vườn trồng chanh leo mang lại giá trị kinh tế tại các bản Na Khích, bản Na và bản Lau. Nhờ đó, 42 hộ dân có việc làm, thu nhập ổn định. Đơn cử như gia đình anh Vy Văn Thoại, từ 200 gốc chanh leo, vừa qua anh đã thu về 20 triệu đồng.
 


Anh Vi Văn Điểm (giữa) - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng

Anh Vy Văn Điểm may mắn hơn so với những đội viên khác là được trở về ngay tại nơi mình đã sinh ra, phụ trách lĩnh vực đúng với ngành nghề đã được đào tạo. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, anh đã đem kiến thức giúp bà con xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế. Nổi bật như mô hình trồng cây bon bo, chanh leo, trồng lúa nước 2 vụ... Nhờ những mô hình kinh tế mà diện mạo nông thôn ở Nậm Nhoóng đã có những thay đổi rõ rệt. Sau những ngày tháng khó khăn, giờ đã làm quen với công việc, Vy Văn Điểm vẫn đang ấp ủ nhiều dự định: Qua một thời gian làm việc, tôi trưởng thành và học hỏi được rất nhiều điều, khi được chọn tham gia dự án, mỗi chúng tôi đều xây dựng cho mình một kế hoạch công tác, bây giờ dự án kết thúc thì kế hoạch còn đang dang dở.

Thực hiện dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã ở các huyện nghèo trong cả nước, toàn tỉnh có 26 trí thức trẻ được lựa chọn. Trong đó, Quế Phong có 5 người, Kỳ Sơn 8 người và Tương Dương 13 người. Được triển khai từ năm 2011, đến năm 2017, thời hạn thực hiện đề án này sẽ kết thúc. Qua những năm làm Phó Chủ tịch xã tại các xã vùng cao, các trí thức trẻ như Vy Văn Điểm, Lữ Thị Thìn, Lương Thị Hiên... luôn sẵn sàng và mong muốn được cống hiến, giúp đồng bào. Họ không ngừng trăn trở, ấp ủ những dự án, mô hình giúp đồng bào cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, xóa đói nghèo, nhưng thời hạn thực hiện chương trình đã hết, họ băn khoăn, lo lắng chưa biết đi đâu, về đâu.

Dự án đưa trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã được coi là bước đột phá nhằm bổ sung nguồn cán bộ đang thiếu ở các xã thuộc huyện nghèo. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề biên chế cho đội ngũ trí thức trẻ sau khi dự án kết thúc là một bài toán khó đối với các địa phương.

Khát khao cống hiến, mong muốn có một đầu ra vững chắc là mục tiêu chung của các trí thức trẻ được tăng cường làm phó chủ tịch ở 3 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh. Nguyện vọng chính đáng của các đội viên, hy vọng sẽ được Đảng, Nhà nước sớm có giải pháp để những trí thức trẻ hôm nay tiếp tục được cống hiến, thực hiện hoài bão, ước mơ góp phần vào sự phát triển chung của các huyện nghèo 30A.

 

Tác giả bài viết: Hiến Chương - Quốc Toàn